Hủy
StartUp 2020 Thứ ba, 30/6/2020, 17:41 (GMT+7)

Giải pháp D2C kết nối trực tiếp doanh nghiệp và người dùng

Công ty Gigan cung cấp giải pháp D2C giúp doanh nghiệp làm chủ chuỗi cung ứng sản phẩm, vận hành và phân phối hàng hóa trực tiếp đến tay người dùng.

Gigan là công ty dịch vụ truyền thông thành lập từ tháng 8/2019, mang đến mô hình D2C (Direct to Customer) giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí phân phối qua đại lý, sàn thương mại, loại bỏ khâu bán lẻ trung gian, đưa sản phẩm trực tiếp đến khách hàng.

D2C - mô hình kết nối doanh nghiệp và khách hàng

D2C là mô hình kinh doanh đã phát triển nhiều năm trên thế giới, đóng vai trò quan trọng trong ngành bán lẻ. Trong đó doanh nghiệp phân phối trực tiếp sản phẩm đến khách hàng thông qua cửa hàng chính hãng, website mà không cần qua bất kỳ kênh phân phối khác. Khách hàng khi nhận sản phẩm cũng không lo mua phải hàng giả, kém chất lượng, giúp tăng độ tin cậy. Những ngành hàng phù hợp với mô hình D2C có thể kể đến như giày da, mỹ phẩm, đồ gia dụng...

Theo khảo sát của Shopify, có đến hơn 40% khách hàng mong muốn mua những sản phẩm ở những công ty áp đang dụng mô hình D2C trong những năm tới, 81% cho biết rằng họ sẽ mua thêm nhiều lần nữa trong 5 năm tiếp theo.

Trên thế giới, những thương hiệu đã thành công với mô hình này phải kể đến như Him, Casper, Warby Parker, Me Undies... Tại Việt Nam, mô hình kinh doanh này được nhiều doanh nghiệp ứng dụng thành công như Canifa, Juno, Vitayes, Saffron... Điểm chung của các thương hiệu là loại bỏ kênh trung gian gồm nhà phân phối, đại lý, cửa hàng bán lẻ, giúp doanh nghiệp đến gần hơn với khách hàng mục tiêu, tối ưu hóa lợi nhuận. Các thương hiệu này sở hữu toàn bộ chuỗi giá trị khách hàng, chủ động nghiên cứu, phát triển, thiết kế, sản xuất, tiếp thị và phân phối.

Ông Trần Quốc Kỳ - nhà sáng lập Gigan nhận định: "Thách thức lớn nhất đối với những doanh nghiệp làm D2C là chịu trách nhiệm hoàn toàn về phân phối, đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực gấp hàng chục lần để làm cho thương hiệu nổi bật. Gigan ra đời nhằm giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình phát triển mô hình D2C".

Trần Quốc Kỳ - Nhà sáng lập dự án Gigan.

Trần Quốc Kỳ - Nhà sáng lập dự án Gigan.

Nhà sáng lập Gigan đánh giá hoạt động mua hàng online ở thị trường Việt Nam và trong khu vực sẽ tăng trưởng ít nhất 30% trong thời gian tới. Những doanh nghiệp chưa từng làm trên nền tảng này nên bắt đầu chuyển dịch ngay từ những việc nhỏ nhất, đầu tư theo phương thức liệu cơm gắp mắm để giám sát tốt nhất từng hạng mục. Để chuyển đổi, doanh nghiệp nên có những phương pháp, công cụ, phát triển công nghệ để hiểu và tiếp cận khách hàng một cách tốt hơn.

Để triển khai, Gigan thực hiện hai giải pháp giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, phát triển hệ thống, thúc đẩy truyền thông cho doanh nghiệp trên môi trường trực tuyến. Startup triển khai các dịch vụ trọn gói cho khách hàng như thiết kế, xây dựng nội dung, tạo kênh tương tác giúp người tiêu dùng ghé thăm trang chủ của doanh nghiệp, tạo quảng cáo cho doanh nghiệp bằng banner, Facebook, Google và bài viết truyền thông.

Kỳ vọng thị trường

Trần Quốc Kỳ - Nhà sáng lập Gigan là chuyên gia trong lĩnh vực hiệu suất kỹ thuật số (Digital Performance) và tiếp thị liên kết (Affiliate Marketing). Anh từng triển khai nhiều dự án trên môi trường thương mại điện tử và liên kết cho Lazada, Tiki, Shopee, Nguyen Kim, Sendo, Booking.com... mang về doanh thu lớn cho các doanh nghiệp này. Trước khi trở thành CEO của Gigan, Trần Quốc Kỳ là đồng sáng lập Chin Media và là thành viên sáng lập ULU.vn.

Với nhiều năm kinh nghiệm, nhà sáng lập dự án Gigan luôn trăn trở làm thế nào để bảo vệ người tiêu dùng cuối trên môi trường mua sắm online, trao cho khách hàng đúng giá trị sản phẩm mà họ kỳ vọng. Từ những kinh nghiệm đã có ở Chin Media, Quốc Kỳ muốn hỗ trợ doanh nghiệp xuyên suốt từ khâu đặt hàng, chăm sóc, giao hàng đến người dùng, kiểm soát chặt quy trình để đảm bảo quyền lợi cho người dùng.

"Tôi quyết định thành lập Gigan để thực hiện nhiệm vụ phát triển dịch vụ D2C cho thị trường, giúp doanh nghiệp phân phối sản phẩm một cách tiết kiệm chi phí", CEO của Gigan cho biết.

Mục tiêu tiếp theo mà nhà sáng lập Gigan đưa ra là giúp giảm hoạt động trung gian cho doanh nghiệp, từ đó giảm chi phí, giảm giá thành. Đồng thời, tạo cơ hội để doanh nghiệp tương tác trực tiếp với khách hàng, từ đó tạo ra sản phẩm tốt hơn.

Một tháng sau khi lên ý tưởng, Gigan Joint Stock Company được thành lập. Lý giải về tên công ty, Quốc Kỳ cho biết Gigan là từ viết tắt của Gigantic (khổng lồ). Nhà sáng lập mong muốn công ty sẽ lớn mạnh và đi lâu dài.

"Đối với tôi, để hướng đến những điều to lớn, phải làm tốt những điều nhỏ nhặt nhất. Tất cả mọi hoạt động từ kết nối, quan hệ bạn bè, khách hàng, ứng xử, làm việc đều phải hướng đến mục đích lâu dài, không bám theo những lợi ích trước mắt", CEO Gigan nói.

Để tìm kiếm đội ngũ cùng đồng hành, Gigan đặt ra tiêu chí đáp ứng cho mỗi nhân sự gồm gồm 5 yếu tố làm việc nhóm, tính logic, phát triển bản thân, kết nối cộng đồng và tự quản lý. Đến nay, số lượng nhân sự của Gigan đã ở con số 15 người. Từ số vốn ban đầu 500 triệu đồng, các cổ đông của Gigan đã thực hiện tái góp vốn, nâng tổng vốn dự án lên 5 tỷ đồng sau 9 tháng hoạt động.

Đại diện dự án cho biết các thành viên không sợ biến cố khi đầu tư số vốn lớn, vì mọi kế hoạch luôn được kiểm soát một cách hệ thống. Hội đồng cổ đông chấp nhận đầu tư từ 6 tháng đến một năm cho chuẩn chỉnh hệ thống, công cụ, công nghệ, văn phòng... có một nền tảng đủ vững rồi mới bắt đầu khởi chạy, mở rộng dự án. Sau một tháng thành lập, công ty đã một số lượng khách hàng tìm đến và thành công nhất định. Sau 9 tháng, Gigan đã có khoảng 45 khách hàng trong và ngoài nước.

Văn phòng công ty Gigan Joint Stock Company.

Văn phòng công ty Gigan Joint Stock Company tại TP HCM.

Thành quả thực tiễn

Với mô hình dịch vụ truyền thông, Gigan cam kết tạo đơn hàng trực tuyến cho doanh nghiệp. CEO Gigan đưa ra ví dụ cụ thể: "Một năm trung bình các đơn vị dược lớn trên thị trường có thể chi ra 70-100 tỷ đồng cho các hoạt động tiếp thị truyền thống để bán hàng. Tuy nhiên, trên môi trường trực tuyến, chi phí doanh nghiệp bỏ ra chỉ khoảng 10% ngân sách, song lại thu về kết quả cao gấp nhiều lần".

Đơn cử như Galle Watch - hệ thống cửa hàng chuyên phân phối các hãng đồng hồ đeo tay nam nữ nhập khẩu là một trong những khách hàng đến với Gigan và được thừa hưởng quả ngọt do chiến lược đúng đắn của đội ngũ dự án. Đại diện Gigan cho biết, ban đầu công ty nhận tư vấn cho Galle Watch về hệ thống fanpage, định hướng, chiến lược phát triển nội dung, chương trình quảng cáo... tạo hiệu quả bán hàng trực tuyến trong giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 12/2019.

CEO của Gigan cho hay công ty đã giúp Galle Watch tăng trưởng 300% lợi nhuận trên online, cao hơn kỳ vọng 120% của khách hàng so với cùng kỳ năm 2018. Từ thành công ban đầu, khách hàng này ký tiếp hợp đồng để thực hiện chiến dịch quảng cáo xuyên tết với Gigan.

Theo CEO Gigan, về lâu dài công ty vẫn theo đuổi con đường D2C, hướng đến xây hệ thống giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí, hoạt động trên môi trường trực tuyến. Trong Covid-19, đội ngũ Gigan đã phát triển công cụ Corowork để tặng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ cho nhân viên làm việc từ xa. Công ty phát triển hệ thống công cụ giám sát các hoạt động tiếp thị, giúp nhà quản lý nhìn được bức tranh toàn cảnh, góp phần tối ưu ít nhất 20% chi phí cho doanh nghiệp.

Trong thời điểm Covid-19 bùng phát, startup này cũng đã có một số động thái ngắn hạn để "xoay chuyển" cục diện. Công ty đầu tư phát triển hệ thống công nghệ trước khi bắt đầu quay lại cuộc chinh phục thị trường. Đồng thời, đơn vị tạo ra dịch vụ chuyên gia tư vấn dành cho những doanh nghiệp đang muốn thay đổi, tối ưu hệ thống công cụ trong lĩnh vực marketing.

Hà Thanh