Hủy
Xu hướng Thứ sáu, 29/12/2017, 09:52 (GMT+7)

10 thương vụ đầu tư startup lớn nhất của Alibaba năm 2017

Năm 2017, Alibaba rót hàng tỷ USD vào các startup tại châu Á. Giá trị 10 thương vụ đầu tư lớn nhất đạt 11 tỷ USD.

Sun Art ( 2,9 tỷ USD - Trung Quốc) 

Sáu tháng sau khi ông lớn Amazon mua lại Whole Foods (chuỗi bán lẻ của Mỹ chuyên bán các sản phẩm nguồn gốc tự nhiên), Alibaba đã chi gần ba tỷ USD để đổi lấy 1/3 cổ phần tại Sun Art - startup sở hữu nhiều thương hiệu siêu thị nổi tiếng như RT-Mart và hệ thống cửa hàng Auchan của Pháp tại Trung Quốc. Đây không phải là thương vụ đầu tiên của Alibaba vào thị trường bán hàng truyền thống.

Intime (2,6 tỷ USD - Trung Quốc) 

Năm 2014, đế chế thương mại điện tử của tỷ phú Jack Ma chi khoảng 700 triệu USD vào Intime - startup bán lẻ trực tuyến. Đến năm 2017, sàn thương mại lớn nhất Trung Quốc chính thức thâu tóm startup này sau khi bỏ ra số tiền tương đương 2,6 tỷ USD. Daniel Zhang - CEO Alibaba nhìn nhận tập đoàn đang chuyển hướng sang lĩnh vực bán hàng trực tiếp thay vì chỉ tập trung vào thị trường trên mạng.

Trung tâm thương mại Intime. Ảnh: e27.

Trung tâm thương mại Intime. Ảnh: Tech in Asia.

Tokopedia (1,1 tỷ USD - Indonesia) 

Nhiều startup tại châu Á nhận được tiền đầu tư từ Alibaba trong năm qua. Điển hình là Tokopedia - ứng dụng thương mại điện tử của Indonesia với khoản rót vốn lên tới 1,1 tỷ USD. Với Tokopedia và Lazada, Alibaba đang dần nuôi tham vọng thống lĩnh thị trường thương mại điện tử tại Đông Nam Á.

Lazada ( 1 tỷ USD - Indonesia) 

Tháng 4, Alibaba đã chi khoảng một tỷ USD để mua thêm 32% cổ phần tại Lazada, nâng số cổ phần nắm giữ tại sàn thương mại điện tử này từ 51% lên 83%. Theo CEO Alibaba, thị trường thương mại điện tử trong khu vực Đông Nam Á khá tiềm năng và Alibaba vẫn tiếp tục tìm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực này.

Ele.me (1 tỷ USD - Trung Quốc) 

Với 1,4 tỷ dân, Trung Quốc là thị trường thuận lợi để phát triển ngành vận chuyển thực phẩm. Đây là lý do Alibaba đầu tư vào Ele.me - startup lĩnh vực vận chuyển đồ ăn qua app có thị phần lớn tại Trung Quốc.

Đội ngũ của Ele.me. Ảnh: Tech in Asia.

Đội ngũ của Ele.me. Ảnh: Tech in Asia.

Cainiao (799 triệu USD - Trung Quốc)

Trước khi nhận đầu tư, Cainiao là đối tác chiến lược của Alibaba trong khâu vận chuyển. Startup này xử lý khoảng 57 triệu đơn hàng mỗi ngày. Trong vòng đầu tư mới nhất, Alibaba chi gần 800 triệu USD để đổi lấy 51% cổ phần tại Cainiao. Vài tháng sau, Cainiao đã tiến hành tự động hóa dây chuyền đóng gói, giúp tiết kiệm nhân lực và chi phí sản xuất.

Ofo (700 triệu USD - Trung Quốc) 

Ofo là một trong hai ứng dụng chia sẻ xe đạp có thị phần lớn nhất Trung Quốc. Năm 2017, nhiều công ty cung cấp dịch vụ này gặp khó khăn dẫn đến phá sản. Tuy nhiên, Ofo được rót lượng tiền không lồ để duy trì hoạt động và đưa dịch vụ của startup phát triển sang nước ngoài. Ofo hiện triển khai tại hơn 180 thành phố trên 15 quốc gia, tạo ra hơn 25 triệu lượt đi xe hàng ngày.

Ofo tạo ra hơn 25 triệu lượt đi xe hàng ngày. Ảnh: Tech in Asia.

Ofo tạo ra hơn 25 triệu lượt đi xe hàng ngày. Ảnh: Tech in Asia.

Souche (335 triệu USD - Trung Quốc) 

Souche là ứng dụng giúp khách hàng tìm mua chiếc xe hơi cũ vừa ý. Trong tiếng Trung, Souche nghĩa là "tìm kiếm một chiếc ô tô". Đại diện startup dự kiến tiến hành IPO (niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng) vào cuối năm 2018.

Yiguo (300 triệu USD - Trung Quốc) 

Ứng dụng vận chuyển thực phẩm tươi Yiguo hiện có thị phần tại hơn 200 thành phố thuộc Trung Quốc. Đây là lần thứ tư Alibaba rót vốn vào Yiguo. Tổng số cổ phần Alibaba sở hữu tại Yiguo sau đợt rót vốn này cho phép tập đoàn ra quyết định tăng cước vận chuyển và phát triển hệ thống vận chuyển đồ đông lạnh, vốn cũng là thị trường tiềm năng tại Trung Quốc.

BigBasket (280 triệu USD - Ấn Độ) 

Alibaba đầu tư vào hệ thống bán lẻ BigBasket tại Ấn Độ nhằm cạnh tranh với dịch vụ Now của Amazon. Hiện thủ tục đầu tư trong giai đoạn đã hoàn thiện. Sau khi thương vụ ký kết thành công, đây sẽ là công ty có vốn đầu tư từ Trung Quốc lớn nhất tại thị trường này.

Lạc Thảo (Theo Tech in Asia)