Chia sẻ tại diễn đàn “Những lời nói thật mất lòng về khởi nghiệp” vừa diễn ra tại TP HCM, bà Nguyễn Phi Vân – Chủ tịch HĐQT công ty Retail & Franchise Asia cho rằng, tâm lý chiếm lĩnh thị trường nội địa mà không cần quan tâm đến xu hướng tiêu dùng của sân chơi khu vực và thế giới đang là rào cản lớn đối với nhiều start-up Việt Nam.
Đúc kết từ những thông tin nghiên cứu thị trường và kinh nghiệm hoạt động tư vấn quốc tế, bà Vân giới thiệu 5 xu hướng khởi nghiệp mới được dự báo sẽ bùng nổ trong thời gian tới, bao gồm dịch vụ dành cho người cao tuổi và trẻ em, cung cấp dịch vụ tức thì, cá nhân hóa sản phẩm, khai thác nghệ thuật khiếm khuyết.
Dịch vụ cho người cao tuổi
Nhóm khách hàng từ 50 tuổi trở lên đang là đối tượng “hot” được nhiều dự án khởi nghiệp trên thế giới nhắm đến, thông qua việc cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu thiết yếu như ẩm thực, y tế, giải trí và định vị… Tính đến đầu năm nay, khoảng 25% dân số thế giới trong độ tuổi này, cộng thêm xu hướng già hóa dân số tại một số quốc gia giúp thị trường ngày càng rộng mở.
Dẫn chứng về sự thành công của start-up cung cấp dịch vụ cho người già, bà Vân nhắc đến thương hiệu xe đạp điện thông minh Evelo của doanh nhân người Mỹ Boris Mordkovich. Từng là chủ sở hữu công ty phần mềm và một tờ tạp chí, chàng trai này chuyển hướng kinh doanh xe đạp điện có chức năng phát hiện vị trí của người già để dễ dàng tìm kiếm trong trường hợp lạc đường. Ước tính doanh thu của công ty này trong năm qua đạt 4 triệu USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ và dự báo tiếp tục tăng trưởng nóng trong thời gian tới.
Sản phẩm cho trẻ em
Phân khúc khách hàng này được giới nghiên cứu thị trường gọi là “ông hoàng của ngôi nhà”, bởi tuy là đối tượng phụ thuộc nhưng trẻ em ảnh hưởng khoảng 60% đến quyết định mua sắm của bố mẹ. Một nghiên cứu tâm lý tiêu dùng của riêng thị trường châu Á ghi nhận con số này lên đến 67%. Nhiều khoản đầu tư lớn đang được rót vào các công ty khởi nghiệp chuyên về sản phẩm dành cho trẻ em trên thế giới, chủ yếu liên quan đến thực phẩm, sức khỏe và giáo dục.
“Khởi nghiệp với các sản phẩm và dịch vụ dành cho trẻ em, các công ty có nhiều cơ hội mở rộng hoạt động ra thị trường nước ngoài nhanh hơn”, vị chuyên gia ngành bán lẻ và nhượng quyền cho biết.
Cung cấp dịch vụ tức thì
Xu hướng cung cấp dịch vụ đáp ứng tiêu chí “Tôi muốn điều tôi muốn, ngay lúc tôi muốn” (The I Want What I Want When I Want It) ngày càng phổ biến và có thể tạo bước đột phá trong giới khởi nghiệp năm nay. Yêu cầu quan trọng nhất đặt ra với công ty khởi nghiệp theo tiêu chí này là rút ngắn tối đa thời gian dịch vụ đến tay khách hàng, bất cứ lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng phục vụ. Các dự án khởi nghiệp ở Việt Nam có thể nhanh chóng bắt kịp xu hướng nếu thay đổi góc nhìn đối với các sản phẩm truyền thống hiện có, điều này cũng thích hợp cho các doanh nghiệp đã hoạt động lâu năm và đang thực hiện chiến lược tái định vị sản phẩm.
Cá nhân hóa dịch vụ
Tuy không phải mới xuất hiện nhưng mua sắm đề cao sự hiện diện và dấu ấn cá nhân được xếp vào nhóm xu hướng mà các công ty khởi nghiệp trên thế giới khai thác triệt để trong năm nay. Đây là hệ quả tất yếu của việc công nghệ kết nối với cá nhân, mà đỉnh cao là mạng xã hội.
Khai thác nghệ thuật khiếm khuyết
Hầu hết khách hàng vẫn ưa chuộng những sản phẩm bóng bẩy, nhưng trong vài năm trở lại đây thì tâm lý này dần thay đổi khi xu hướng “sự khiếm khuyết hoàn hảo” (theo tiếng Nhật là wabi-sabi) đang lên ngôi. Xu hướng này cho rằng dịch vụ chỉ mang giá trị nguyên bản khi còn thiếu sót, chưa hoàn thiện.
“Khách hàng ngày càng thích những hình ảnh chân chất như sản phẩm thu hoạch trực tiếp từ cánh đồng làng hay rau củ đến tay người tiêu dùng vẫn còn lấm lem bùn đất… Xu hướng này rất phù hợp với thị trường Việt Nam nếu các dự án start-up biết cách tận dụng và thể hiện tinh tế những giá trị gần gũi, bình dị của đất nước mình lên sản phẩm”, bà Vân nói.
Phương Đông