Hủy
Xu hướng Thứ năm, 20/8/2020, 15:43 (GMT+7)

Bán hàng qua livestream tại Nhật gặp khó

Ngành công nghiệp bán hàng qua mạng ở Nhật Bản đối mặt với nhiều thách thức khi một loạt startup tuyên bố ngừng tính năng livestream.

Ngành công nghiệp bán hàng qua livestream (hay còn gọi là live commerce) xuất hiện ở Trung Quốc cách đây ba năm và tạo ra doanh thu 4,3 tỷ USD vào năm 2019. Theo công ty tài chính China Renaissance Securities, doanh thu của ngành công nghiệp này sẽ tăng gấp ba vào năm 2020. Đặc biệt, trong Covid-19, doanh số của ngành live commerce càng tăng vọt. Các ông lớn trong ngành thương mại điện tử của Trung Quốc như Taobao của Alibaba Group Holding và JD.com đã sử dụng bán hàng qua livestream như một "vũ khí" để giành thị phần.

Dừng tính năng live commerce

Khi gia nhập thị trường Nhật Bản, tình hình kinh doanh của ngành live commerce đang không khả quan. Theo đó, Yahoo Janpan - công ty sở hữu một website thương mại điện tử đã thông báo dừng chức năng bán hàng qua livestream vào tháng 6. Trước đó, Mercari, một sàn thương mại nổi tiếng bán các hàng hóa đã qua sử dụng (secondhand) cũng ngừng tính năng này.

Mercari cho biết tạm dừng bán hàng qua livestream để tập trung vào các nguồn lực khác của công ty. Còn người phát ngôn của Yahoo cho biết tạm kết thúc để xem xét tính hữu ích của tính năng này.

Tình hình kinh doanh của hoạt động live commerce không khả quan tại Nhật Bản.

Tình hình kinh doanh của hoạt động live commerce không khả quan tại Nhật Bản.

Rakuten, công ty vận hành website thương mại điện tử lớn nhất Nhật Bản vẫn triển khai các hoạt động live commerce dựa vào một ứng dụng livestreaming. Tuy nhiên, so với các trang mua sắm trực tuyến, ứng dụng này không thu hút khách hàng và có lượt xem ít ỏi.

Tình hình kinh doanh ảm đạm tại Nhật Bản đã tạo ra nhiều hoài nghi cho những nhận định về sự bùng phát live commerce trên toàn cầu và đặt ra nhiều câu hỏi về nguyên nhân của tình trạng này.

Lỗ hổng từ cơ sở hạ tầng

Theo khảo sát của Nikkei, tại Nhật Bản, live commerce không phải là tính năng ưa chuộng của người bán hàng, khách mua và các nhà vận hành thương mại điện tử. Nguyên nhân có thể xuất phát từ các vấn đề kỹ thuật và cơ sở hạ tầng.

Ông Akira Takeuchi, chủ một startup bán thực phẩm thông qua một nền tảng thương mại điện tử cho biết rằng lợi thế của bán hàng qua livestream là giúp công ty thu hút các khách hàng trung thành và cung cấp nhiều sản phẩm cho người mua. Mỗi lần thực hiện livesteam bán hàng, startup này có thể kiếm được khoảng 2.340 USD, tương đương với doanh số trong hai ngày. Tuy nhiên, ông Takeuchi cũng gặp nhiều trục trặc kỹ thuật trong quá trình livestream và lo ngại khách hàng có ấn tượng xấu về công ty vì những sự cố này.

"Tôi cố gắng thu hút 100 người theo dõi livestream nhưng bỗng dưng không còn ai theo dõi vì sự cố kết nối. Nếu còn tiếp diễn như vậy, tôi tin rằng các công ty sẽ chọn tắt tính năng livesteam thay vì tốn chi phí nâng cấp hệ thống máy chủ", anh Akira Takeuchi nói.

Ngoài vấn đề cơ sở hạ tầng, ông Tatsunori Kuniyoshi, nhà phân tích của Euromonitor International cho rằng Nhật Bản đang thiếu một siêu ứng dụng về mua sắm nên rất khó để các nhà bán hàng thu hút lượng lớn khách hàng qua một sự kiện livestream.

Dù nhiều công ty đã dừng tính năng live commerce ở Nhật Bản nhưng một số chuyên gia vẫn tỏ ra lạc quan về tương lai của ngành này.

"Trong đại dịch, live commerce vẫn có khả năng phát triển khi khách hàng ở nhà càng nhiều và sẽ tìm kiếm các kênh bán hàng mới", ông Tatsunori Kuniyoshi - nhà phân tích của Euromonitor International nói.

Còn ông Hirofumi Ono - CEO 17 Media Japan nhận xét khi mua sắm trực tuyến trên các website, các khách hàng tìm kiếm một sản phẩm chứ không phải là một cửa hàng cụ thể. Trong khi đó, live commerce sẽ tạo ra một trải nghiệm mua sắm cùng một cửa hàng cụ thể với nhiều thông tin về sản phẩm. Hành vi tiêu dùng của hai hình thức bán hàng này khác nhau.

"Vì vậy, chúng tôi tin rằng live commerce sẽ vẫn phát triển ở Nhật Bản", ông Hirofumi Ono nhấn mạnh.

Thanh Thảo (theo Nikkei)