Hủy
Xu hướng Thứ hai, 25/12/2017, 09:00 (GMT+7)

Chú trọng cố vấn, giáo dục khởi nghiệp trong hệ sinh thái startup Việt

Các startup được cố vấn có tỷ lệ tăng trưởng cao hơn 33% so với các công ty khởi nghiệp khác, theo khảo sát của Endeaver Insight, Mỹ.

Theo nghiên cứu, một trong những thử thách sống còn của các startup giai đoạn đầu là xác định hướng đi, chiến lược, thị trường để vượt qua được giai đoạn “Thung lũng tử thần”- khoảng thời gian 3-6 tháng đầu tiên trong chặng đường khởi nghiệp. Qua được cột mốc này, tỷ lệ sống sót của các startup mới thành lập sẽ cao hơn. 

Vì vậy, sự đồng hành, chỉ bước của các cố vấn khởi nghiệp để giúp các công ty khởi nghiệp lách qua “cửa tử” giai đoạn này là cực kì quan trọng và cần thiết. Tại Việt Nam, tuy còn mới mẻ nhưng một hệ thống những nhà cố vấn (mentors) đang dần thành hình và bước đầu giúp định hình chiến lược, tư tưởng của các startup.

Bên cạnh mảng cố vấn, Bộ Khoa học và Công nghệ trong năm 2017 cũng đặc biệt quan tâm tới vấn đề giảng dạy, đào tạo cho các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là sinh viên có đủ kiến thức căn bản để khởi nghiệp. 

Sinh viên nhiều trường đại học tham dự một sự kiện trong không gian làm việc chung, khởi nghiệp sáng tạo BKhub trường Đại học Bách Khoa. 

Sinh viên nhiều trường đại học tham dự một sự kiện trong không gian làm việc chung, khởi nghiệp sáng tạo BKhub trường Đại học Bách Khoa. 

Chia sẻ ý kiến trên trang Truyền thông khoa học và Công nghệ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng để khởi nghiệp thành công, các nhà sáng lập, lãnh đạo startup cần phải có kiến thức về khởi nghiệp. Trong quá trình học tập tại các trường đại học, các kiến thức về quản trị doanh nghiệp, kinh doanh, các hoạt động quản lý về thị trường...nhiều khi không được dạy một cách đầy đủ.

"Bộ đang trao đổi với Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như một số trường để có thể đưa nội dung đào tạo về khởi nghiệp cho sinh viên, giúp trang bị những kiến thức cần thiết, ban đầu cho hoạt động khởi nghiệp", Thứ trưởng cho biết. 

Tuy vậy, cũng có ý kiến chuyên gia cho rằng cần nhìn nhận hoạt động giáo dục khởi nghiệp một cách thực tế hơn bởi khởi nghiệp không dành cho tất cả mọi sinh viên. Theo thống kê, chỉ có khoảng 2-3% sinh viên đại học là có thiên hướng khởi nghiệp. Trong đó, chỉ một phần nhỏ về sau sẽ trở thành doanh nhân khởi nghiệp.

Tham gia Đề án 844 (Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025), công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Phát triển công nghệ Bách khoa Hà Nội (BKHoldings) nhận nhiệm vụ phát triển cộng đồng cố vấn khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động đào tạo khởi nghiệp.

“Từ nửa sau năm 2017, BKHoldings thực hiện các khóa đào tạo ngắn 3 – 7 ngày ở cấp độ khai tâm mở trí và giới thiệu cho các startup phương pháp và khái niệm của khởi nghiệp, khởi nghiệp tinh gọn”, ông Phạm Tuấn Hiệp - Giám đốc BKHoldings cho biết.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng tổ chức các khóa ToT (Training of Trainer – Đào tạo giảng viên nguồn) và các khóa đào tạo về kiến thức và kỹ năng cho các nhóm khởi nghiệp. Kết thúc năm 2017, BKHoldings đã làm việc và cố vấn cho gần 200 nhóm ý tưởng kinh doanh của sinh viên. Các hoạt động cố vấn khởi nghiệp giúp xây dựng văn hóa chia sẻ, sẵn sàng hợp tác để vượt qua thử thách trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng.

Chú trọng cố vấn, giáo dục khởi nghiệp trong hệ sinh thái startup Việt
 
 

Phương Nguyên