Hủy
Xu hướng Thứ bảy, 18/6/2016, 10:19 (GMT+7)

Cộng đồng start-up lo thành tội phạm vì luật mới

Việc nêu tên một số dịch vụ liên quan đến nhiều start-up hiện nay trong Bộ Luật hình sự khiến cộng đồng khởi nghiệp lo lắng về khả năng vi phạm pháp luật, song cũng có ý kiến chuyên gia cho rằng cần có cách hiểu chính xác về quy định trên.

Bộ Luật Hình sự 2015 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới, trong đó Điều 292 về việc cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông đang gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Theo điều luật này, nếu cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ mà không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép, thu lợi từ 50-200 triệu đồng hoặc có doanh thu từ 500 triệu - 2 tỷ đồng sẽ bị phạt tiền từ 200-500 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm. Bên cạnh kinh doanh vàng trên tài khoản, sàn giao dịch thương mại điện tử, kinh doanh đa cấp thì hoạt động trung gian thanh toán, trò chơi điện tử trên mạng và các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông đều chịu quy định của điều luật này

cong-dong-start-up-lo-thanh-toi-pham-vi-luat-moi

Nguyễn Hà Đông, người nổi tiếng với game Flappy Bird từng có thu nhập hàng tỷ đồng. 

Với quy định nêu trên, một ví dụ điển hình được nhắc tới là Nguyễn Hà Đông - người được biết đến với game Flappy Bird - cũng có thể trở thành người bị truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ sau một đêm. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn VC Corp, điều luật này khiến người tiếp nhận hiểu rằng từ 1/7 tới, nếu ai đó mở website rao vặt, forum có phần rao vặt, viết game tung lên các appstore nhằm kiếm tiền quảng cáo như Flappy Bird, hay ứng dụng kiểu Uber... mà chưa xin phép thì có nguy cơ bị bỏ tù và tịch thu toàn bộ tài sản.

"Trong khi đó, ở Việt Nam, việc xin giấy phép rất khó, đặc biệt là giấy phép game. Các start-up thường xuyên phải thử nghiệm các mô hình mới, nếu đợi xin giấy phép mới được làm thì cơ hội có lẽ đã bay xa", ông chia sẻ. 

Do đó, theo ông, điều luật này có thể làm ảnh hưởng lớn đến cộng đồng start-up, khiến họ nảy sinh tâm lý sẽ ưu tiên chọn những nơi khác để khởi nghiệp như Singapore, Mỹ hoặc Hong Kong (Trung Quốc).

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, một chuyên gia cố vấn cho các start-up cũng cho rằng, điều luật này khi có hiệu lực sẽ tạo tâm lý e ngại không nhỏ trong cộng đồng khởi nghiệp. 

"Điều luật này khá mâu thuẫn với tinh thần kêu gọi và ủng hộ khởi nghiệp đã được cơ quan quản lý, bộ ngành nhắc đến trong thời gian gần đây, có thể làm mất niềm tin của cộng đồng khởi nghiệp và họ tìm cách tránh khởi nghiệp ở Việt Nam. Có thể họ sẽ chọn các quốc gia khác để khởi nghiệp và đăng ký kinh doanh. Ở những nước này, việc hỗ trợ chung cho việc thủ tục thành lập doanh nghiệp, tư vấn và chính sách khá cởi mở, thuận tiện", ông Nghĩa cho hay. 

Ông cũng cho rằng, những start-up công nghệ mang tính toàn cầu nên doanh thu có thể không kiểm soát được, thậm chí tăng vọt chỉ sau một đêm. "Chính họ cũng không kiểm soát được mức doanh thu đó. Và như vậy, nếu theo điều luật này thì có lẽ sau một đêm, họ bỗng dưng trở thành tội phạm", ông Nghĩa lo ngại.  

Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật Basico lại cho rằng trước mắt chưa cần quá lo lắng với điều khoản trên. Theo ông, việc viết phần mềm trò chơi điện tử và đưa lên các trang web để các đơn vị khai thác là hợp pháp, hợp lệ, cũng giống như các nhà soạn nhạc, viết văn… nên chỉ phải nộp thuế thu nhập cá nhân và các nghĩa vụ về quyền tác giả. Ông cho rằng, đây không phải là kinh doanh.

"Nếu mở trang web bán hàng, cung cấp các giải pháp công nghệ thì mới cần đăng ký. Còn việc tạo ra sản phẩm, cung cấp qua những nhà cung cấp dịch vụ hợp pháp thì không bị điều chỉnh bởi quy định này. Giả sử nếu một người viết game như Nguyễn Hà Đông lập ra công ty để kinh doanh và đưa sản phẩm đó lên cung cấp dịch vụ hoặc một cá nhân hoạt động có tính chất như một công ty, khai thác mạng để bán hàng thì sẽ bị quy định bởi Điều 292 nói trên và phải xin giấy phép", ông Đức lý giải.  

Luật sư Lê Thiệp (Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu, Hà Nội) cũng lý giải, những người viết game như Nguyễn Hà Đông là người viết phần mềm hay lập trình chứ không được coi là người kinh doanh dịch vụ. "Trong trường hợp của Đông thì không cần phải xin phép, chỉ đơn vị sử dụng các ứng dụng này vào mục đích kinh doanh mới phải xin phép", vị này lý giải. 

Tuy vậy, ông Trương Thanh Đức cho rằng Điều 292 trong Bộ Luật Hình sự 2015 có thể dẫn đến các cách hiểu khác nhau. Do đó, theo vị luật sư cần có những văn bản dưới luật để làm rõ những nội dung này, tránh dẫn đến những cách hiểu và xử lý khác nhau dẫn đến việc thực thi nhầm lẫn.

“Những vấn đề mà cộng đồng start-up đặt ra cũng đúng, họ có quyền lo ngại, nghi ngờ khi đọc điều khoản đó. Nếu không được làm rõ bằng các văn bản dưới luật có thể dẫn đến sai lệch, nhầm lẫn trong quá trình thực thi và xảy ra tình trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế giống như vụ cà phê Xin Chào thời gian qua", ông Đức nhận định.  

Về mức doanh thu được coi là thu lợi bất chính trong Điều 292 của Bộ Luật hình sự, ông Đức cho rằng, trong môi trường kinh doanh của Việt Nam là không dễ gì đạt được con số và quy mô như vậy.

"Những cá nhân, đơn vị kinh doanh đạt được doanh thu như vậy thì cơ bản đã hoạt động khá chuyên nghiệp. Do đó, yêu cầu về đăng ký kinh doanh để cơ quan nhà nước quản lý cũng là điều phù hợp", ông cho hay. 

Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng để tránh hiểu lầm và tạo động lực cho sáng tạo, các nhà làm luật nên làm rõ và tách biệt được 2 nhóm là những start-up công nghệ và các mô hình khởi nghiệp theo cách kinh doanh thông thường. 

“Với những công ty khởi nghiệp như mở quán cà phê, dịch vụ hoặc mô hình công ty truyền thống thì nên chịu sự quản lý của luật kinh doanh thông thường. Còn với các start-up công nghệ có tính đổi mới sáng tạo, tạo ra cái mới hiện tại chưa có trên thị trường, triển khai ở phạm vi rộng, toàn cầu 1-2 quốc gia, có yếu tố công nghệ thì nên cởi mở hơn, được điều chỉnh bởi quy định khác để có thể khuyến khích được tinh thần sáng tạo”, ông Nghĩa bày tỏ.  

Ngọc Tuyên   |