Từ gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba đến nền tảng gọi xe Didi Chuxing, các startup tại Trung Quốc đã thay đổi tổng quan ngành công nghiệp công nghệ toàn cầu. Và xu hướng tiếp nối chính là xe.
Một số công ty mới thành lập ở quốc gia đông dân nhất thế giới đã gọi được hàng trăm triệu USD từ các quỹ đầu tư. Họ lần lượt ra mắt các mẫu xe điện trong vài tháng qua, với mục đích muốn sao chép thành công của Tesla tại thị trường Mỹ.
Họ muốn giống startup ở xứ sở cờ hoa, làm rung chuyển ngành công nghiệp xe hơi với xe điện công nghệ cao. Các bản sao của Tesla ở Trung Quốc nói lợi thế là họ nhìn chiếc xe theo một cách khác: như một thiết bị thông minh, chạy bởi phần mềm và các dịch vụ. Nhưng không giống công ty của tỷ phú Elon Musk phải hằng ngày vật lộn trong thị trường xe hơi khổng lồ, họ có một lợi thế quan trọng.
“Giờ đây nếu muốn phát triển ra toàn cầu, bạn trước tiên phải thành công ở Trung Quốc và chúng tôi đang ở đây”, Daniel Kirchert, cựu cán bộ cấp cao BMW cho biết. Ông đồng sáng lập Byton tại Nam Kinh, đơn vị vừa ra mắt mẫu xe thể thao tiện ích tại Triển lãm điện tử tiêu dùng hồi tháng 1 tại Las Vegas, Mỹ. Công ty dự định sẽ đưa vào sản xuất dòng này vào 2019.
Các chuyên gia nhận định sự xuất hiện của xe điện sẽ mang đến cho các tay chơi mới trong lĩnh vực này một ngách trong ngành công nghiệp xe hơi trị giá 620 tỷ USD mỗi năm tại Trung Quốc. Năm ngoái, có 28 triệu chiếc xe đã được bán tại quốc gia đông dân nhất thế giới, chiếm 1/3 toàn cầu.
“Sự mọc lên của các loại xe chạy bằng điện đang bóp nhỏ những rào cản gia nhập ngành công nghiệp tỷ USD này. Việc phát triển xe điện sẽ đơn giản hơn rất nhiều so với động cơ đốt trong. Với những người mới bắt đầu, họ không cần chuẩn bị những thiết bị chuyển động truyền thống như pit tông, trục khủy, bugi…”, Michael Dunne, Chủ tịch Dunne Automotive, công ty tư vấn xe tại Hong Kong cho biết.
Tuy nhiên, các startup cũng vẫn cần rất nhiều tỷ USD vì sản xuất quy mô lớn đòi hỏi phải có nguồn quỹ mạnh. Dunne nhấn mạnh: “Ai có nhiều tiền hơn thì người đó sẽ thắng”.
Các nhà bình luận cho rằng các startup Trung Quốc như NIO, Byton, WM Motors và Xpeng sẽ đối mặt thách thức khi cạnh tranh các tập đoàn lớn ở trong và ngoài Trung Quốc. Họ cũng phải đấu tranh với chu kỳ sản phẩm bảy năm và quản lý mối quan hệ với hàng trăm đối tác trên toàn cầu.
“Làm xe là cuộc chơi tập trung chủ yếu vào nguồn quỹ. Tôi nghĩ tất cả số tiền mà các công ty gọi được sẽ không đủ để hỗ trợ cho toàn bộ vòng đời của một sản phẩm, tức trong 7 năm”, Wang Honghao, nhà bình luận về xe của trang Zhihu nhận định.
Các nhà phân tích nói một trong các yếu tố không thể đoán trước là Chính phủ Trung Quốc. Họ đã ưu tiên cho sử dụng công nghệ điện với các loại xe và cũng đưa ra nhiều lợi thế sân nhà cho các công ty nội địa, bao gồm cả startup.
Những tập đoàn lớn như Volkswagen và GM đã bắt đầu cuộc chiến. Họ đã có những kế hoạch rõ ràng để cạnh tranh trong lĩnh vực xe điện. Volkswagen từng công bố đầu tư 10 tỷ Euro cho công nghệ EV (xe điện) tại Trung Quốc và có kế hoạch rót thêm 1,5 triệu Euro mỗi năm tại thị trường này vào 2025.
Các startup cũng phải cạnh tranh với các tập đoàn trong nước. Trung Quốc hiện là nhà sản xuất EV lớn nhất thế giới. Các công ty Geely, SAIC và BYD có thể sản xuất mọi thứ tư xe hơi nhỏ đến xe buýt hai tầng có thể được nhìn thấy ở London.
Giám đốc điều hành một công ty về xe ở châu Âu cho rằng chỉ có NIO với khoản đầu tư 2,2 tỷ USD từ Tesla là cái tên duy nhất đủ nguồn lực để cạnh tranh, trừ khi các startup khác có thể gọi được số tiền nhiều hơn.
NIO đã trở thành đối tác của JAC - một nhà làm xe tại Trung Quốc. Họ muốn cùng nhau sản xuất chiếc SUV 7 chỗ với giá 450.000 Nhân dân tệ, dự kiến sẽ chính thức chào bán ra thị trường trong mùa xuân năm nay.
Một số khác nói họ sẽ bắt đầu gia nhập thị trường xe hơi trong năm nay. Trong khi đó, Tesla cho biết đang thương thảo để xây dựng nhà máy ở Khu thương mại tự do Thượng Hải. Đáng chú ý là giá một chiếc Tesla X sẽ gấp đôi so với dòng của NIO, một phần do thuế nhập khẩu cao tại Trung Quốc.
Các startup cũng dẫn chứng lợi thế khác của họ là hiểu khẩu vị của người tiêu dùng và có thể nhanh chóng đổi mới. “Vấn đề ở đây không phải nguồn lực, mà chính là văn hóa”, đại diện một startup về xe chia sẻ.
Các công ty cũng có sự hỗ trợ của các ông lớn trong lĩnh vực Internet như Tencent, Alibaba, JD.com và Baidu. Những tập đoàn khổng lồ đang hỗ trợ các startup với hy vọng công nghệ này sẽ trở thành nền tảng cho thị trường mua sắm và các dịch vụ giải trí của họ.
Theo Izzy Zhu, Phó chủ tịch mảng phát triển người dùng của NIO, trí tuệ nhân tạo và kết nối Internet sẽ là tương lai. “Xe không chỉ là chiếc máy vô tri vô giác, nó giống như một người bạn đường với rất nhiều cảm xúc và sự ấm áp”.
Năm ngoái, một nghiên cứu của công ty McKinsey (Mỹ) cho thấy người Trung Quốc rất sẵn sàng sở hữu một chiếc xe thông minh. Những người mua xe ở quốc gia đông dân nhất thế giới đánh giá cao về giá trị kết nối của các dòng xe này gấp ba lần so với người Đức và hai lần so với người Mỹ.
“Hãy nhớ đến lần đầu tiên chiếc iPhone xuất hiện. Nokia đã không thấy được điều đó và vài năm sau họ mất tăm giữa thị trường”, Bill Russo, Giám đốc công ty tư vấn Automobility ở Thượng Hải nói.
Ông cho rằng điều tương tự sẽ xảy ra với xe. “Mọi thứ ở Trung Quốc sẽ diễn ra nhanh hơn bất cứ nơi nào trên hành tinh này”.
Trương Sanh (theo Financial Times)