Hủy
Xu hướng Thứ hai, 19/10/2020, 07:00 (GMT+7)

Cuộc chiến thị phần giao hàng tại Hàn Quốc

Thị trường giao hàng Hàn Quốc đang chứng kiến sự tranh giành thị phần giữa startup với các tập đoàn lớn và hàng loạt công ty nước ngoài.

Thị trường giao hàng tại Hàn Quốc vốn phát triển mạnh mẽ trước khi Covid-19 xảy ra. Bối cảnh làm việc từ xa và cách lý xã hội đã thúc đẩy mạnh mẽ hơn dịch vụ giao nhận hàng, nhất là mặt hàng tiêu dùng.

Theo số liệu từ chính phủ Hàn Quốc, tổng doanh số của 13 đơn vị bán lẻ trực tuyến trong tháng 7 tăng tới 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi 13 công ty bán lẻ truyền thống lại giảm 2,1%. Nền tảng bán lẻ trực tuyến SSG.COM của E-mart đã tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm nay, doanh số đạt 618,8 tỷ won, tăng 61% so với năm trước đó.

Nhu cầu ngày càng tăng tạo ra sự cạnh tranh lớn hơn trong thị trường. Hiện nay, nhiều tập đoàn lớn Hàn Quốc đang tìm cách giành giật thị phần với các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực giao hàng. Song song với đó, hàng loạt công ty nước ngoài đang muốn đặt chân vào Hàn Quốc.

Covid-19 đã thúc đẩy sự phát triển của thị trường giao hàng.

Covid-19 đã thúc đẩy sự phát triển của thị trường giao hàng.

Công ty Internet lớn nhất Hàn Quốc – Naver tháng trước cho biết sẽ mở rộng dịch vụ mua hàng tạp hoá bằng cách đưa 3 chuỗi bán lẻ: homeplus, GS Fresh Mall, NH Hanaro Mart cũng như Huyndai Department Store lên nền tảng trực tuyến.

Lotte - tập đoàn lớn thứ 5 tại Hàn Quốc, gần đây tung ra các dịch vụ mới để khai thác nhu cầu tăng đột biến của thị trường. Tập đoàn này đang sẵn sàng cho cuộc đối đầu với các công ty khởi nghiệp như Market Kurly và Coupang.

Thành lập năm 2010 bởi Bom Kim, một doanh nhân tốt nghiệp Havard. Xét về doanh thu, Coupang hiện là nền tảng thương mại điện tử đứng đầu Hàn Quốc. Doanh số của công ty tăng 64% lên 7,2 nghìn tỷ won vào năm 2019. Coupang đóng một vai trò như đơn vị tiên phong khai phá tiềm năng thị trường giao hàng tại Hàn Quốc. Công ty nổi tiếng với tốc độ giao hàng nhanh nhờ một hệ thống công nghệ trang bị AI được phát triển bởi hơn 2.000 kỹ sư nhằm đảm bảo hệ thống luôn vận hành trơn tru.

Market Kurly cũng là một startup giao hàng khác của Hàn Quốc chuyên cung cấp dịch vụ giao hàng tạp hóa, bánh ngọt, đồ uống đến các hộ dân sống tại Seoul vào buổi sáng sớm. Startup thành lập năm 2014 bởi Sophie Kim một cựu nhân viên ngân hàng tại Goldman Sachs - nhắm đến khách hàng mục tiêu là các gia đình nhỏ bận rộn. Doanh thu nền tảng đạt 428,9 tỷ won năm ngoái và gần gấp 3 lần so với con số 157,1 tỷ won năm trước đó. Danh sách nhà đầu tư của công ty bao gồm nhiều cái tên lớn như Sequoia Capital China and Euler Capital.

Cạnh tranh trong thị trường giao hàng đang dần trở nên phức tạp khi Naver muốn trành gianh miếng bánh thị phần. Gã không lồ Internet sở hữu một lượng người dùng khổng lồ và nguồn vốn dồi dào. Các nhà phân tích cho rằng Naver muốn thu hút người dùng bằng các chương trình khuyễn mãi hoàn tiền hào phóng dù cho hiện nay công ty vẫn chưa có hệ thống logistics.

Park Jong Dae, một nhà phân tích tại Hana Financial Investment cho biết: "Các chương trình giảm giá mà Naver mang lại rất lớn nhờ Naver Pay, hệ thống thanh toán cung cấp 2-3% khoản hoàn tiền bổ sung trên 3-5% khoản hoàn tiền cơ bản. Hầu hết chúng có thể đến từ phí do các nhà bán lẻ trả".

Các nguồn tin trong ngành cho biết, Naver từ lâu đã mong muốn khai thác thị trường thương mại điện tử dựa vào nguồn lực 40 triệu khách hàng. Ông lớn này tham vọng vươn khỏi thị trường nội địa và tiến ra khu vực châu Á.

Để đối phó các thách thức từ Naver, Coupang cho biết sẽ tập trung hơn nữa vào phục vụ khách hàng. Kim Se Min, đại diện phát ngôn của Coupang chia sẻ: "Chúng tôi dự định mang đến cho khách hàng trung thành nhiều ưu đãi hơn nữa. Chiến lược tốt nhất là mang tới các dịch vụ tốt cho khách hàng".

Coupang là một trong những nền tảng thương mại điện tử hàng đầu tại Hàn Quốc.

Nhân viên tại kho của Coupang - một trong những nền tảng thương mại điện tử hàng đầu tại Hàn Quốc.

Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy thị trường giao đồ ăn Hàn Quốc phát triển, khi người dân không đến nhà hàng hoặc quán bar. Lĩnh vực này được thống trị bởi Woowa Brothers, công ty đang điều hành ứng dụng giao đồ ăn lớn nhất Hàn Quốc - Baedal Minjok. Năm ngoái, doanh thu Woowa đạt 565,4 tỷ won, tăng 80% so với năm trước đó.

Ngành công nghiệp này cũng thu hút sự quan tâm quốc tế, Deliveru Hero - "gã khổng lồ" trong lĩnh vực giao đồ ăn của Đức tuyên bố hồi cuối năm ngoái về kế hoạch mua lại 100% quyền sở hữu Woowa với giá 4 tỷ USD.

Delivery Hero có kế hoạch mua lại 88% cổ phẩn Woowa bằng tiền mặt, trong khi 12% còn lại thuộc sở hữu của ban lãnh đạo Woowa được hoán đổi bằng cổ phần tại Delivery Hero.

Theo các điều khoản thỏa thuận ban đầu, Woowa sẽ quản lý hoạt động kinh doanh tại châu Á - Thái Bình Dương của Delivery Hero, bao gồm Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Việt Nam, Singapore và Thái Lan. Tập đoàn ngoại quốc này đang vận hành Yogiyo, ứng dụng giao đồ ăn lớn số 2 tại Hàn Quốc.

Phạm An (theo Nikkei Asian Time)