Alibaba mới đây tuyên bố đầu tư 15 tỷ USD vào một mạng lưới các phòng thí nghiệm tại Trung Quốc, Mỹ, Nga, Israel và Singapore nhằm đối đầu với sự thống trị của Thung lũng Silicon trong tương lai cùng với kế hoạch tuyển dụng 100 nhà nghiên cứu cho các cơ sở thí nghiệm mới này.
Alibaba muốn tập trung vào các lĩnh vực công nghệ như máy tính lượng tử, các dịch vụ kết nối, Fintech và tương tác giữa con người với máy móc.
Từ năm 2015 đến tháng 3/2017, Alibaba mới chỉ chi khoảng 7,3 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển công nghệ. Trong khi chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2017, Amazon đã đầu tư đến 17,4 tỷ USD. Amazon hiện là đại gia chịu chi nhất cho công việc nghiên cứu và phát triển công nghệ ở Mỹ.
Để đuổi kịp Amazon, Alibaba dự định sẽ chia đều khoản đầu tư 15 tỷ USD vào 3 năm từ 2018-2020, mỗi năm 5 tỷ USD.
Cũng như nhiều tỷ phú công nghệ trên thế giới, Jack Ma là một người theo chủ nghĩa tương lai. Ông cho rằng ở tương lai gần, robot sẽ chiếm các vị trí điều hành trong công ty thay cho CEO là con người và trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi thế giới. Quan điểm này của Jack Ma khá gần với các dự đoán và nghiên cứu về sự bùng nổ cách mạng công nghiệp 4.0 vào năm 2025.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, các công ty như Alibaba phải đổi mới với tốc độ nhanh hơn để bắt kịp xu thế. "Điều quan trọng với Alibaba bây giờ là tiếp tục tạo ra các công nghệ mới. Các hãng công nghệ Mỹ đã đi đầu trong quá khứ. Hiện tại, các doanh nghiệp Trung Quốc nên tăng cường đầu tư", Kitty Fok, nhà phân tích tại IDC nhận định.
Tăng cường đầu tư vào công nghệ, theo chủ tịch Jack Ma, những gì mà Alibaba hướng tới trong 10-20 năm nữa là thay đổi lĩnh vực kinh doanh ở những ngành nghề truyền thống. Bên cạnh xu hướng phát triển các loại công nghệ tiên phong như robot, trí tuệ nhân tạo..., Alibaba cũng rất chịu khó đầu tư vào các startup công nghệ mới nổi, các nền tảng công nghệ hiệu quả trong nền kinh tế chia sẻ.
Phương Nguyên