Hủy
Xu hướng Thứ bảy, 4/3/2017, 10:56 (GMT+7)

Doanh nghiệp lo ngại hình sự hóa sai phạm cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán

Việc thẩm định của cơ quan quản lý thực tế mất nhiều năm, nên theo các doanh nghiệp, quy định có giấy phép rồi mới được cung cấp dịch vụ có thể gây cản trở lớn cho sự phát triển của các startup Fintech tại Việt Nam.

Trong buổi tọa đàm, lấy ý kiến cho nội dung "Liệu có nên xử lý hình sự hành vi cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán trái phép hay không" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức cuối tuần này, các ý kiến từ đơn vị cung ứng dịch vụ này tại buổi tọa đàm đều cho rằng không nên hình sự hóa vấn đề này.

Theo đại diện của VCCorp, đơn vị này đã mất 5 năm để xin giấy phép hoạt động trong lĩnh vực thanh toán điện tử. "Nếu giờ các đơn vị phải xin cấp phép xong mới được thử nghiệm thì các startup Fintech (cung cấp dịch vụ ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính) tại Việt Nam sẽ gặp rào cản rất lớn, thậm chí bóp chết sự phát triển của họ", đại diện VCCorp đưa ý kiến. Bên cạnh đó, một số nguy cơ về hoạt động thanh toán điện tử trái phép thực tế đã có quy định tại một số điều luật khác.

Đại diện của VNG tại buổi tọa đàm cũng có ý kiến tương đồng cho rằng không nên hình sự hóa điều này. Đại diện đơn vị này cho biết, phải mất 7 năm để VNG xin được giấy phép hoạt động trung gian thanh toán điện tử, nên nếu hình sự hóa vấn đề này sẽ tạo tác động lớn đến hoạt động startup trung gian thanh toán tại Việt Nam.

Theo đại diện của Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), việc hình sự hóa hoạt động cung cấp trung gian thanh toán trái phép là không cần thiết trong bối cảnh hiện tại. Lý giải cho điều này, vị này cho biết, Quốc hội đã bãi bỏ Điều 292 trước đó thì không nên giữ lại một phần nào trong điều này để đưa sang một điều khác tại Luật. 

Ngoài ra, "việc cung cấp các dịch vụ trung gian thanh toán về cơ bản là cung cấp hạ tầng kỹ thuật, tiện ích thông qua hệ thống ngân hàng. Chủ thể chịu tác động ở đây là ngân hàng và khách hàng. Do vậy, nếu có thiệt hại cũng là phần thiệt hại về vật chất và nên đưa vào xử phạt hành chính thay vì hình sự", đại diện Napas cho biết.

doanh-nghiep-lo-ngai-hinh-su-hoa-sai-pham-cung-cap-dich-vu-trung-gian-thanh-toan

Đang có những ý kiến đề nghị giữ lại một số quy định của Điều 292 đã bị bãi bỏ, trong đó có quy định đối với hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trái phép và đưa vào quy định tại Điều 206.

Ông Trần Quang Việt - Giám đốc Trung tâm thanh toán điện tử VTC Pay cũng cho rằng không nên hình sự hóa vấn đề này, quan trọng nhất là cần làm rõ thêm những chi tiết của Luật.

"Cần làm rõ xem thế nào là cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán trái phép, phạm vi điều chỉnh của Luật đến đâu và căn cứ để đưa ra các khung xử lý hình sự đối với việc thu lợi bất chính từ hoạt động này", đại diện VTC Pay cho biết.

Đại diện của Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng, các nhà làm luật không nên yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán phải chứng minh những tác động của hoạt động này đến nhà đầu tư và khách hàng. Ngược lại, chính những đơn vị làm Luật phải đưa ra lập luận, tại sao lại khép hoạt động cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán trái phép vào khung xử lý hình sự, dẫn chứng nào cho lập luận hoạt động này liên quan đến rửa tiền, trốn thuế.

Ngoài ra, đại diện VTC Pay cũng cho rằng nếu quy định về trung gian thanh toán đối với các doanh nghiệp trong nước thì cũng cần xây dựng chế tài đối với các đơn vị nước ngoài.

"Hiện giờ khi sử dụng dịch vụ của các hãng nước ngoài như Apple hay Google đều phải thực hiện thanh toán theo cách thức của họ, một cách bắt buộc. Nếu đưa ra quy định đối với việc thực hiện trung gian thanh toán đối với các đơn vị trong nước thì cần nghiên cứu chế tài hợp lý với đơn vị nước ngoài để tạo sự công bằng", đại diện VTC Pay cho biết.

Với cương vị là đơn vị thẩm tra, đại diện Ủy ban Tư pháp cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến từ những đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán. Theo vị này, việc một số đơn vị chậm được cấp phép trong hoạt động trung gian thanh toán do các quy định về thủ tục hành chính. Còn ở phương diện người làm luật về các chế tài xử lý đối với hoạt động trái phép, việc đưa ra khung xử lý hình sự với hoạt động trung gian thanh toán là để phòng ngừa những rủi ro đối với hoạt động này.

Đồng thời, đại diện Ủy ban Tư pháp cũng cho biết sẽ xem xét để làm rõ chi tiết hơn như đóng góp của các ý kiến được đưa ra. Trường hợp quy trách nhiệm xử lý hình sự có thể thực hiện đối với các hành vi vi phạm tái diễn hoặc quy mô ảnh hưởng lớn, hiện giờ đây mới là dự thảo Luật để xin ý kiến đóng góp từ các đơn vị.

Tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, Chính phủ đã trình Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hình sự năm 2015, trong đó đề nghị bỏ Điều 292 về Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, viễn thông. Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, vẫn có ý kiến đề nghị giữ lại các quy định của Điều 292, trong đó có quy định đối với hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trái phép và đưa vào quy định tại Điều 206 dự thảo Luật.

Lý do của việc này, theo đại diện Ủy ban Tư pháp, nhằm đảm bảo hoàn thiện khung pháp lý cho các cơ quan chức năng thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm lợi dụng tiền ảo, tiền điện tử để phạm tội sử dụng công nghệ cao, trốn thuế, rửa tiền... đồng thời đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư, và trật tự, an toàn xã hội.

Minh Sơn