Hủy
Xu hướng Thứ bảy, 15/8/2020, 07:00 (GMT+7)

Grab có thêm sản phẩm trong hệ sinh thái tài chính

Hãng gọi xe công nghệ này từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trong những hệ sinh thái fintech lớn nhất Đông Nam Á.

Mới đây Grab cho biết, sẽ ra mắt mảng kinh doanh tài chính với các sản phẩm hướng đến đối tượng khách hàng là người tiêu dùng như: đầu tư vi mô, bảo hiểm sức khỏe và các chương trình thanh toán sau. Trước đó, lĩnh vực này chủ yếu tập trung cung cấp dịch vụ tới doanh nhân và các doanh nghiệp nhỏ.

Tháng 1/2019, Grab thành lập một liên minh đầu tư mạo hiểm cùng công ty bảo hiểm ZhongA để xây dựng một thị trường bảo hiểm số. Từ đó, đến nay, danh sách các dịch vụ tài chính mà công ty này cung cấp tiếp tục gia tăng với hàng loạt đối tác. Tháng 2/2020, startup này mua lại Bento - một công ty trong lĩnh vực quản lý tài sản cung cấp các dịch vụ liên quan đến đầu tư vi mô cho người dùng. Bento sau đó đã đổi tên thành GrabInvest.

Tháng 2 năm nay, Grab cũng cho biết huy động thành công 856 triệu USD để đẩy mạnh phát triển các dịch vụ thanh toán và tài chính. Mới đây nhất, theo thông tin công bố bởi Bloomberg, kỳ lân khởi nghiệp này đã nhận thêm 200 triệu USD từ Stic, công ty đầu tư tư nhân đến từ Hàn Quốc.

Một trong những sản phẩm tài chính mới của công ty khởi nghiệp này là AutoInvest được triển khai tại thị trường Indonesia. Đây là nền tảng cho phép người tiêu dùng đầu tư những khoản tiền nhỏ thông qua ứng dụng Grab như: cho vay tiêu dùng, mua ngay trả sau, và mở rộng ra các dịch vụ bảo hiểm bao gồm cả bảo hiểm tại bệnh viện.

Các dịch vụ tài chính mới của Grab sẽ hướng tới đối tượng khách hàng là người tiêu dùng.

Các dịch vụ tài chính mới của Grab hướng tới người tiêu dùng.

Với lĩnh vực đầu tư vi mô, Grab sẽ triển khai GrabInvest vào đầu tháng 9 tới tại Singapore. Người dùng có thể sử dụng dịch vụ này thông qua ví điện tử Grab. GrabInvest cho phép người dùng đầu tư một khoản tiền tối thiểu khoảng một đô la Singapore mỗi lần vào các quỹ được quản lý bởi Fullerton Fund Management và UOB Asset Management, với mức lợi nhuận tiềm năng là 1,8%.

Hiện nay, Grab Financial Group cung cấp các khoản vay vốn cho tài xế và tài trợ cho người bán lẻ trên nền tảng. Tuy nhiên, với PayLater - sản phẩm tín dụng tiêu dùng mới, Grab sẽ hướng trực tiếp đến người tiêu dùng, cho phép họ dùng trước và thanh toán các dịch vụ startup cuối mỗi tháng. Dịch vụ này sẽ triển khai đầu tiên tại Singapore và Malaysia.

Các sản phẩm tài chính mới bắt đầu được xây dựng trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, song Breune Lai - Giám đốc cấp Grab Financial Group cho biết, chính khủng hoảng đã thúc đẩy nhu cầu các dịch vụ liên quan đến mua sắm trực tuyến, thanh toán và bảo hiểm điện tử.

Sản phẩm tài chính dành cho người tiêu dùng của Grab sẽ phải đối đầu với các dịch vụ như StastAway – một nền tảng đầu tư trực tuyến có trụ sở đặt tại Singapore, tuy nhiên theo Breune Lai, lợi thế cạnh tranh của Grab trong lĩnh vực này là lực lượng hàng triệu người người dùng tại Đông Nam Á. Điều này tạo dựng nền tảng khách hàng và dữ liệu đủ lớn để công ty liên tục đổi mới mô hình tính điểm người dùng từ đó xác định mức độ tín nhiệm.

Theo một báo cáo thực hiện bởi Economy Asia năm 2019, 70% người dân Đông Nam Á không sử dụng dịch vụ ngân hàng, không có thẻ ngân hàng và các sản phẩm tiết kiệm dài hạn. Ngay tại Singapore, một trong những trung tâm tài chính của châu Á, 40% người dân không tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng. Báo cáo ước tính, thị trường tài chính số tại Đông Nam Á có nhiều tiềm năng phát triển với mức lợi nhuận có thể tạo ra vào năm 2025 là 60 tỷ USD. Chính vì vậy, đây là một trị trường với nhiều cơ hội phát triển đối với Grab.

Thảo Miên (Theo Tech Crunch)