Hủy
Xu hướng Thứ sáu, 20/11/2020, 14:00 (GMT+7)

Grab vẫn giữ ngôi số một thị phần gọi xe công nghệ Việt

Grab giữ vị trí số một với gần 75% thị phần và nới rộng khoảng cách với các đối thủ cạnh tranh như Gojek và Be theo báo cáo của ABI Research.

Báo cáo về thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam 6 tháng năm 2020 của ABI Research cho thấy Grab vẫn là hãng gọi xe công nghệ dẫn đầu thị trường. Hãng hoàn tất 62,5 triệu cuốc xe trong nửa đầu năm, chiếm 74,6% thị phần, tặng nhẹ so với 73% nửa đầu năm 2019.

Ứng dụng Be tưởng chừng nắm vững vị thế số 2 nhưng cũng đang dần bị Gojek rút ngắn khoảng cách. Be đang chiếm 12,4% thị trường gọi xe nội trong khi đối thủ đến từ Indonesia là Gojek xếp ngay sau với 12,3%.

Thị phần gọi xe công nghệ tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020, Nguồn: ABI Research.

Thị phần gọi xe công nghệ tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020, Nguồn: ABI Research.

Một ứng dụng gốc Việt khác là FastGo cũng chiếm 0,7% thị trường, giảm nhẹ so với 1% vào năm ngoái. Báo cáo của ABI Research cũng cho thấy Covid-19 đã tác động lớn thế nào đến thị trường gọi xe. Năm ngoái, Grab hoàn thành 313 triệu cuốc xe, nhưng sau 6 tháng đầu năm nay, hãng mới chỉ đạt hiệu suất 20%.

Sáu tháng qua, Việt Nam có tổng cộng 83,8 triệu cuốc xe công nghệ được thực hiện bởi những ứng dụng trên, tương đương 19,5% tổng số cuốc trong năm 2019 (429,5 triệu cuốc). Thời gian khó khăn này cả Grab, Be Group và Gojek đều có sự thay đổi về nhân sự cấp cao.

Một tài xế sử dụng viApp. Ảnh: Viservice.

Một tài xế sử dụng viApp. Ảnh: Viservice.

Năm 2020, hai hãng gọi xe công nghệ nội địa là viApp, thuộc sở hữu của Viservice, một công ty nội địa trụ sở tại quận 7, TP HCM và GV Taxi, ứng dụng thuộc GV Asia cũng tham gia thị trường. Tuy nhiên với con số 1% ít ỏi của "miếng bánh thị phần" dành cho những tân binh, giới chuyên gia đánh giá tương lai phát triển của những hãng xe mới vẫn còn xa vời.

Ngược lại, các ứng dụng tiềm lực mạnh như Grab, Be hay Gojek cũng đã bắt đầu phải lên đường tìm kiếm lợi nhuận từ mảng gọi đồ ăn để bù lỗ cho mảng gọi xe vốn rất cạnh tranh.

Thành Dương