Chính phủ Hàn Quốc đang thực hiện cam kết tăng cường đầu tư, hỗ trợ cho những doanh nhân khởi nghiệp và hệ sinh thái startup của quốc gia này. Thông qua khởi nghiệp, Hàn Quốc thể hiện sự quan tâm đến việc thổi luồng gió mới, tăng cường đổi mới sáng tạo, tạo ra nhiều công ăn việc làm trong nền kinh tế vốn bị đánh giá là đang già cỗi, chịu sự chi phối, phụ thuộc vào các tập đoàn kinh tế gia đình trị.
Theo TechinAsia, ông Moon Jae-In, Tổng thống Hàn Quốc gây ấn tượng bởi những tuyên bố cứng rắn sẽ không nhân nhượng các tập đoàn kinh tế gia đình trị - mô hình đang phải chịu những cáo buộc làm thoái hóa tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của quốc gia này.
Từ khoản tiền 7,5 tỷ USD thuộc ngân quỹ của nhóm các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và startup năm 2018, chính phủ Hàn quốc đã bơm 412 triệu USD vào các công ty khởi nghiệp và mô hình kinh doanh mới. Tổng thống Hàn Quốc cho rằng một nền kinh tế số năng động sẽ tạo ra nhiều việc làm cho người trẻ trong nước; tập trung vào các công ty có quy mô nhỏ và vừa sẽ giúp kinh tế phát triển bền vững.
Tại Hàn Quốc, trong vài năm qua, hơn 500 triệu USD mỗi năm được đều đặn rót cho các startup qua mỗi vòng gọi vốn. Trong đó, ít nhất hai startup là nền tảng thương mại điện tử Coupang, công ty nội dung trên điện thoại di động và thương mại Yello Mobile được định giá hàng tỷ đôla. Các khoản rót vốn, đầu tư mạo hiểm cho startup ở Hàn Quốc bắt đầu xuất hiện từ năm 2010 nhưng chỉ tăng mạnh từ năm 2014. Trước đó, từ năm 2010- 2014, mỗi năm hệ sinh thái Hàn Quốc nhận từ 10 triệu USD đến 75 triệu USD.
Kể từ năm 2014, con số này tăng vọt lên 949 triệu USD, cán mốc 1,8 tỷ USD năm 2015 trước khi giảm xuống còn 663 triệu USD và 519 triệu USD lần lượt vào các năm 2016 và 2017. Trong bốn năm trở lại đây, khoảng hai tá các startup đã chốt được các thương vụ đầu tư ở quanh mốc 10 triệu USD, bao gồm cả các công ty khởi nghiệp "kỳ lân" với các khoản gọi vốn tỷ đôla.
Những năm sau chứng kiến sự suy giảm của các vòng gọi vốn khổng lồ. Kỷ lục gọi vốn năm 2015 với 1,8 tỷ USD thì riêng startup Coupang đã chiếm hơn một nửa trong số đó với khoản đầu tư một tỷ đôla từ SoftBank. Tuy số tiền đầu tư đổ vào cộng đồng khởi nghiệp Hàn Quốc đi xuống trong một vài quý gần đây, hệ sinh thái khởi nghiệp của quốc gia này vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý từ những nhà đầu tư nội cũng như các quỹ mạo hiểm quốc tế.
Một trong những khoản đầu tư riêng lẻ lớn nhất trong những năm qua thuộc về startup TMON (Ticket Monster) với trị giá 115 triệu USD tháng 4/2017. Startup này được định giá 1,4 tỷ USD. Sau TMON, website du lịch Yanolja sở hữu những vòng gọi vốn lớn với khả năng thu hút 55 triệu USD đầu tư cùng ứng dụng chụp ảnh tự sướng Snow và khoản gọi vốn 50 triệu USD.
Cộng đồng khởi nghiệp Hàn Quốc thu hút một lượng lớn và đa dạng nhà đầu tư, bao gồm những quỹ nội, công ty đầu tư từ thung lũng Silicon, các quỹ liên doanh...Một lượng không nhỏ các đơn vị trong đó là các nhà đầu tư liên tục như Samsung, Altos Ventures, SoftBank Ventures Hàn Quốc, Formation 8, 500 Startups...
Các dữ liệu của Crunchbase chỉ ra rằng hơn 150 nhà đầu tư thiên thần, các khoản rót vốn vòng hạt giống, vườn ươm khởi nghiệp và những quỹ đầu tư mạo hiểm liên doanh đã tham gia vào nhiều vòng gọi vốn của cộng đồng khởi nghiệp Hàn Quốc trong suốt 5 năm qua.
Hàn Quốc cũng nổi tiếng là quốc gia của những tập đoàn toàn cầu như Samsung, LG và Hyundai. Các đơn vị trên cũng bày tỏ tham vọng lớn thông qua việc đầu tư cho các startup. Cụ thể, Naver - công cụ tìm kiếm hàng đầu của Hàn Quốc mới ra mắt thành công startup của riêng mình với lượng tiếp cận toàn cầu. Công ty này cũng là chủ sở hữu của ứng dụng nhắn tin Line với định giá gần 10 tỷ USD.
Nguyễn Vũ