Hủy
Xu hướng Chủ nhật, 13/6/2021, 09:00 (GMT+7)

IPO sẽ khai sinh thêm nhiều startup Đông Nam Á

Nhiều startup mới có thể được ra đời và phát triển mạnh mẽ hơn sau đợt IPO "bom tấn" của Grab và GoTo.

Theo đánh giá của công ty đầu tư mạo hiểm 500 Startup, đợt niêm yết của hai gã khổng lồ công nghệ tại Đông Nam Á là Grab và GoTo có thể sẽ mở đường cho nhiều doanh nghiệp lớn khác xuất hiện trong khu vực, thay vì lo ngại công ty lớn có thể "nuốt chửng" những startup quy mô nhỏ và chi phối sự phát triển.

Công ty công nghệ Indonesia GoTo cung cấp các dịch vụ thanh toán theo yêu cầu, thương mại điện tử và thanh toán kỹ thuật số.

GoTo cung cấp các dịch vụ thanh toán theo yêu cầu, thương mại điện tử và thanh toán kỹ thuật số. Ảnh: Goto

Vào tháng 4 vừa qua, Grab - công ty gọi xe công nghệ có trụ sở đặt tại Singapore cho biết sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua thương vu sát nhập với SPAC - một công ty mua lại với có mục đích đặc biệt. Grab được định giá 39,6 tỷ USD. Đây cũng là thương vụ sáp nhập với SPAC có quy mô lớn nhất thế giới đến nay. Bên cạnh đó, startup đến từ Indonesia là GoTo Group (hợp nhất của Gojek và Tokopedia) cũng xác nhận sẽ tiến hành IPO ngay trong năm 2021.

Ông Vishal Harnal, đối tác của 500 Startups trả lời Street Sign Asia cho biết: "Các công ty này vẫn sẽ mua lại các startup nhỏ hơn, nhưng họ cũng đầu tư nhiều hơn vào các công ty khác và tạo ra nhiều doanh nghiệp tỷ đô hoặc một kỳ lân mới ra đời". Những người sáng tập các startup thành công sẽ có thanh khoản mới để để đầu tư vào hệ sinh thái, đồng thời trở thành các nhà đầu tư thiên thần – những người rót vốn cho các startup đang ở giai đoạn sơ khai. Ngoài ra, khi chứng kiến sự thành công của đợt IPO, nhân viên của Grab hay GoTo cũng sẽ nhìn thấy cơ hội để xây dựng công ty riêng.

Ông Vishal Harnal, đối tác của Công ty đầu tư mạo hiểm 500 Startups.

Ông Vishal Harnal, đối tác của Công ty đầu tư mạo hiểm 500 Startups. Ảnh: DealStreetAsia.

Ông Vishal Harnal cho rằng, quá trình trên tương tự như những gì đã diễn ra với tổ hợp cổ phiếu công nghệ của nhóm BAT (Baidu, Alibaba, Tencent) tại Trung Quốc.

Theo nghiên cứu của 500 Startups, trong số gần 150 kỳ lân khởi nghiệp đã và đang hoạt động tại Trung Quốc tính đến nay, có tới 40% startup từng nhận đầu tư của các công ty thuộc nhóm BAT. Tổng cộng, các công ty BAT đã đầu tư vào 915 công ty công nghệ kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.

Theo đại diện 500 Startups, nếu như Trung Quốc có các công ty thuộc nhóm BAT, giờ đây Đông Nam Á cũng hình thành nhóm GSG (Grab, SEA, GoTo). "Khi các công ty như GSG chi tiêu càng nhiều tiền vào giáo dục hệ sinh thái, đảm bảo áp dụng công nghệ và đầu tư mở rộng nền kinh tế Internet, sẽ càng tạo ra nhiều điều kiện cho startup mới đồng thời tạo đòn bẩy cho những công ty hiện đã tồn tại".

Thảo Miên (Theo CNBC)