2018 được đánh giá là năm khốc liệt của thị trường giao hàng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp giao hàng Việt do sự xuất hiện và mở rộng của nhiều đối thủ nước ngoài. Sự có mặt của GoViet, Giaohangtietkiem, Ninja Van, J&T Express cũng như hàng loạt dịch vụ giao hàng hỏa tốc được tung ra bởi DHL hay Grab được dự báo sẽ còn khiến cuộc đua này gay cấn hơn trong năm tới.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thị trường giao hàng năm 2019 sẽ tiếp tục khốc liệt ở hai yếu tố là giá và tốc độ.Báo cáo về thị trường thương mại điện tử Việt Nam Vietnam Ecommerce Market Survey 2018 của Asia Plus cũng chỉ ra, 38% khách hàng sử dụng dịch vụ giao hàng đang không hài lòng về cước phí. Chỉ có 42% khách hàng hài lòng về tốc độ giao hàng.
Tại thị trường Việt Nam, hiện Shopee đã có dịch vụ giao 4 giờ, Sendo có dịch vụ giao 3 giờ (kết hợp với Grab), Tiki có dịch vụ giao 2 giờ được nhiều người dùng sử dụng.
Dù thị trường giao hàng Việt Nam đã khá đông đúc với rất nhiều công ty trong và ngoài nước, nhu cầu giá rẻ - giao nhanh của khách hàng vẫn còn rất lớn. Dù đạt được những đột phá nhất định trong năm 2018, các doanh nghiệp giao hàng vẫn gặp phải rất nhiều thách thức như chi phí vận chuyển cao, quy mô dịch vụ lớn, quy trình vận hành vẫn còn thủ công, hay chất lượng nhân viên chưa được như mong đợi. Trong khi đó, khả năng đáp ứng của các công ty hiện tại vẫn còn giới hạn.
Trước tình hình đó, các công ty giao hàng sẽ buộc phải cân nhắc các giải pháp phù hợp để tìm thị trường đúng cho mình. Theo các chuyên gia, có ba xu hướng đã chớm nở vào năm 2018 và dự đoán bùng nổ năm 2019.
Kinh tế chia sẻ và giao nhận theo nhu cầu (on-demand delivery)
Theo ông Phùng Khắc Huy, Sáng lập và CEO của Ship60 - startup giao hàng công nghệ, mô hình kinh tế chia sẻ được áp dụng cùng với mô hình on-demand delivery đã giải quyết được một số vấn đề của mô hình giao hàng truyền thống, như vấn đề về nhân sự khi sản lượng đơn hàng tăng đột biến trong các đợt sự kiện.
"Với mô hình truyền thống, sẽ rất khó để huy động số lượng tài xế giao hàng khi sản lượng hàng hoá tăng đột biến," ông Huy nhận định. "Bài toán kinh tế cũng cho thấy mô hình này có hiệu quả về mặt chi phí hơn khi chỉ sử dụng thời gian nhàn rỗi của các tài xế, do đó chi phí để trả cho các đối tượng này sẽ ít hơn tổng chi phí phải thanh toán cho một tài xế toàn thời gian."
Trên thế giới, mô hình tận dụng tài xế là chính khách hàng của mình đã được rất nhiều đại gia bán lẻ chú ý và vận dụng thành công, điển hình như Amazon Flex với thời gian giao hàng giảm chỉ còn một nửa. Mô hình này cũng khiến các công ty on-demand delivery trở nên đắt giá, khi các doanh nghiệp bán lẻ đổ tiền đầu tư vào dịch vụ giao hàng để tăng sức cạnh tranh về mặt thời gian và chi phí. Các thương vụ điển hình có thể kể đến là Walmart với Parcel, Target đầu tư vào Shipt với 550 triệu đô lahay Albertson mua lại Plated (300 triệu đô la).
Tại Việt Nam, văn hoá xe máy đã tạo cơ hội cho mô hình kinh tế chia sẻ thích nghi khá nhanh chóng. Khởi đầu bằng dịch vụ vận chuyển khách hàng, đến nay kinh tế chia sẻ và on-demand delivery đã trở thành một mô hình được ưa chuộng trong giao hàng, được ứng dụng bởi các nền tảng thương mại lớn như Tiki, Lazada.
"Tuy nhiên điểm yếu của mô hình này là đội ngũ tài xế vốn không phải là nhân viên chịu sự ràng buộc của công ty sẽ gặp phải nhiều vấn đề về mặt cam kết chất lượng," CEO Ship60 cho biết. "Các công ty sẽ cần phải đưa ra rất nhiều chính sách thưởng, phạt để kiểm soát về mặt chất lượng."
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)
Năm 2018 chứng kiến sự ra đời của nhiều công ty công nghệ ứng dụng các thuật toán AI để tối ưu hoá lộ trình giao hàng đồng thời tăng tốc độ xử lý một đơn hàng, theo nhận định của ông Trần Huỳnh Huy Phương, Giám đốc Sản phẩm của Ship60. Theo ông Phương, các thuật toán này giúp cho thời gian giao hàng có thể giảm từ vài ngày xuống còn dưới một ngày, thậm chí là vài giờ.
Ở Việt Nam, việc ứng dụng AI rộng rãi hiện còn gặp trở ngại do hạn hẹp về nguồn nhân lực làm công nghệ cũng như chi phí đầu tư cao. "Không phải doanh nghiệp nào cũng có thể ứng dụng AI. Yếu tố nhân lực và chi phí sẽ khiến không ít lãnh đạo các công ty đắn đo trong việc ra quyết định", ông Phương cho biết.
Một trong những giải pháp hiện tại được Ship60 cũng như một số startup khác đưa ra nhằm giúp các doanh nghiệp bán lẻ vượt qua sự đắn đo này đó là cung cấp nền tảng công nghệ đã được phát triển như một dịch vụ phần mềm (SaaS), từ đó đẩy nhanh quá trình áp dụng công nghệ vào giao hàng ở Việt Nam. "Lựa chọn này thời gian ứng dụng công nghệ và chuyển đổi sang phương thức hoạt động mới," ông Phương phân tích.
Trong năm 2019, ông Phương dự đoán việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ càng ngày càng được cải thiện, nhờ lượng dữ liệu cực lớn được tích trữ từ năm này qua năm khác làm cơ sở, cùng với hệ sinh thái IoT (Internet of Things) cũng đang phát triển rất nhanh chóng
Dữ liệu lớn (Big Data)
Big Data hiện vẫn còn là một khái niệm khá mới không chỉ ở Việt Nam mà còn là ở các nước phát triển trên thế giới. Theo ông Phương, "Big Data ám chỉ tập hợp dữ liệu với kích thước vượt xa khả năng của các công cụ phần mềm thông thường để thu thập, hiển thị, quản lý và xử lý dữ liệu trong một thời gian có thể chấp nhận được."
Trong lĩnh vực giao hàng ở Việt Nam, việc ứng dụng Big Data mới chỉ chớm nở ở một số đơn vị nhằm đưa ra các dự đoán về mặt thị trường. Hơn nữa, việc ứng dụng Big Data còn đang phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng của đội ngũ phân tích xử lý dữ liệu, quay trở lại vấn đề nhân sự công nghệ mà Việt Nam đang thiếu.
Tuy nhiên, ông Phương tin tưởng rằng khi doanh nghiệp ý thức được tầm quan trọng của các dữ liệu mình có và bắt đầu tổ chức lưu trữ với khối lượng dữ liệu lớn, chắc chắn công nghệ này sẽ được tận dụng nhiều hơn và hiệu quả hơn.
Mây Phạm