Hủy
Xu hướng Thứ sáu, 5/3/2021, 00:00 (GMT+7)

Sea Group trở thành startup giá trị nhất Đông Nam Á như thế nào

Forrest Li, một sinh viên vừa tốt nghiệp chương trình MBA của Đại học Stanford, bắt đầu xây dựng công ty game năm 2009, đặt nền móng cho đế chế Sea Group có giá trị 137 tỷ USD hiện nay.

Công ty game mà Li xây dựng có tên là Garena, nằm trong một căn shophouse nhỏ ở khu trung tâm sầm uất của Singapore. Thành công đến ngay với Garena khi startup lọt qua nhiều vòng đầu tư và nhanh chóng mở rộng.

Quy mô của Garena dần vượt xa căn shophouse nhỏ trên đường Maxwell. Li quyết định chuyển công ty đến một căn penthouse hai tầng lớn hơn. Trải qua nhiều năm, Garena có sự phát triển không ngừng, trở thành một nhánh của gã khổng lồ Singapore Sea Group.

Forrest Li của Sea Group. Ảnh: Bloomberg.

Forrest Li, người sáng lập và điều hành Sea Group. Ảnh: Bloomberg.

Thành công đến sớm

Vốn hóa thị trường hiện nay của Sea Group lên tới 137 tỷ USD, lớn hơn ngân hàng số một của Singapore là DBS. Ngoài ra, Tập đoàn còn có 3.000 nhân viên tại Singapore và hoạt động ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam Nhật Bản và khu vực Nam Mỹ.

Vượt qua trạng thái của một kỳ lân, Sea lúc này là một trong các công ty công nghệ lớn nhất tại Đông Nam Á. Năm 2019, Li xây dựng một khu phức hợp rộng gần 2,3 ha cho nhân viên Shopee, nền tảng thương mại điện tử lớn nhất khu vực - một nhánh của Sea. Nhờ vậy, giá cổ phiếu của Sea cũng tăng nhanh. Chỉ riêng trong 10 tháng gần nhất, cổ phiếu của ông lớn công nghệ Singapore đã tăng 5 lần.

Sea vừa hoàn tất thương vụ mua lại Ngân hàng Kesejahteraan Ekonomi (BKE) của Indonesia. Tập đoàn này đang chuẩn bị chuyển đổi BKE thành một công ty công nghệ kỹ thuật số theo SMCP. Trước đó, Sea đã được cấp một trong hai giấy phép mở ngân hàng kỹ thuật số tại Singapore.

Nhiều người nhận xét Li và Sea Group phát triển nóng, bất chấp ảnh hưởng của Covid-19, có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng nếu đổ vỡ. Tuy vậy, phần đông nhà đầu tư lại nhận định sự tăng trưởng của ông lớn này là tất yếu.

Thành công của Sea phần lớn bắt nguồn từ những điểm sáng quanh công ty game Garena. Đây cũng là công ty game hàng đầu tại Việt Nam hiện nay. Dù Garena đã có vị thế lớn, nhưng câu chuyện xoay quanh đà bứt phá vượt trội của hãng game này lại ít được biết đến mà chỉ gói gọn trong cộng đồng gaming và giới đầu tư.

Forrest Li từng chia sẻ, nhờ nhận diện rõ "những nhu cầu chưa được ai đáp ứng" trong lĩnh vực game đầu những năm 2010 mà thành công mới đến với Garena. Bản thân Li cũng là một người đam mê game. Năm 2010, những tựa game bom tấn phổ biến ở các thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có mặt tại Đông Nam Á và một số game thủ trong khu vực không thể hiểu các tựa game nói tiếng Anh. Li cho biết Garena được thành lập nhằm kết nối các game thủ trên thế giới. Tương tác trong game trở thành một hình thức giải trí quan trọng cho giới trẻ và thậm chí sẽ sớm vượt qua những thú tiêu khiển cũ như radio, tivi và phim ảnh.

Garena tìm đến các thành phố, thị trấn lớn nhỏ và các quán cà phê Internet tại Đông Nam Á để hiểu rõ hơn nhu cầu của game thủ. Song, Li cho biết khởi đầu của Garena không hề dễ dàng. "Về cơ bản, không ai thực sự coi Đông Nam Á là một cơ hội đầu tư hứa hẹn. Chúng tôi phải dùng tiền túi và một ít từ gia đình, bạn bè. Đó là cách chúng tôi bắt đầu", ông nói.

Sea Group đã khai trương một khu phức hợp sáu tầng rộng lớn vào năm 2019 với hàng nghìn công nhân. Ảnh: Handout

Sea Group khai trương khu phức hợp sáu tầng năm 2019. Ảnh: Handout.

Từ năm 2010 đến 2014, Garena hoạt động theo cách mang những tựa game nước ngoài về Đông Nam Á. Khi nhận ra tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh và truy cập Internet trong khu vực tăng lên, công ty đã nảy ra ý tưởng tự phát triển game. Li thành lập một studio game ở Thượng Hải và chuyển từ phát triển game trên PC sang phục vụ riêng cho điện thoại di động.

Một thời gian sau, Garena phát hành Free Fire, tựa game được giới phân tích coi là chất xúc tác cho thành công của công ty này. Free Fire vừa đạt mốc 80 triệu người dùng hàng ngày vào năm ngoái và được chơi ở 130 quốc gia trên thế giới. Garena còn tổ chức các cuộc thi thể thao điện tử (e-sport) hàng đầu. Giải đấu e-sport năm 2019 của Garena thu hút đến 130 triệu khán giả theo dõi. Từ đó, các nhà đầu tư lớn tìm đến, trong đó có Tencent Holdings của Trung Quốc.

"Canh bạc" Shopee

Năm 2017, Garena được đổi tên thành Sea Group, phần nào cho thấy tham vọng của tập đoàn tại Đông Nam Á. Dù vậy, nhà sáng lập vẫn giữ Garena làm tên riêng của nhánh game và giải trí kỹ thuật số của Sea. Cùng thời điểm công ty đánh giá tốc độ sử dụng điện thoại thông minh đang tăng nhanh, họ nhảy vào lĩnh vực thương mại điện tử (e-commerce) và cho ra mắt Shopee năm 2015.

Zhou Junjie, Giám đốc Thương mại của Shopee cho biết, hầu hết các sàn sàn thương mại điện tử vào thời điểm đó đều tập trung vào các trang web, trong khi Shopee muốn cung cung cấp nền tảng di động, lấy ứng dụng làm trọng tâm.

"Đó là một trong những lợi thế của kẻ đến sau, vì bạn có thể thấy được toàn cục diện, xu hướng hiện tại và tư duy về một cách làm mới lạ hoặc tốt hơn", Zhou nói.

Zhou cho biết, một chiến lược quan trọng khác mà Shopee triển khai là chinh phục các thị trường địa phương bằng cách bản địa hóa và tùy chỉnh ứng dụng theo từng khu vực. Ví dụ, tại Indonesia, Shopee đã tung ra một mảng riêng chuyên bán các sản phẩm và dịch vụ cho dành cho người Hồi giáo. Nền tảng thương mại điện tử này đạt hơn 200 triệu lượt tải xuống tính đến năm 2019 và là một trong các sàn thương mại điện tử lớn tại Đông Nam Á, ngang hàng với Tokopedia và Lazada của Indonesia. Nếu tính lượt truy cập website, Shopee hiện đang dẫn đầu tại toàn bộ 6 thị trường lớn tại Đông Nam Á, gồm Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Philippines và Malaysia.

Quảng cáo Shopee trên cầu thang dẫn đến ga tàu trên cao ở Bangkok. Ảnh: Chua Kong Ho

Quảng cáo Shopee trên cầu thang dẫn đến ga tàu trên cao ở Bangkok. Ảnh: Chua Kong Ho.

Theo báo cáo tài chính quý III/2020 do Sea công bố, dù doanh thu từ mảng e-commerce tăng 173,3% lên 618 triệu USD, chỉ số EBITDA của Shopee vẫn âm 301,6 triệu USD. Năm ngoái, Shopee báo EBITDA âm khoảng 253,7 triệu USD. Doanh thu từ mảng giải trí số (chủ yếu từ game di động) tăng 72,9% lên 569 triệu USD.

Jason Davis, Phó Giáo sư tại Đại học tư nhân Insead cho biết, giới phân tích coi Shopee là một "canh bạc dài hạn" của Sea. Chưa có ai thống trị thị trường e-commerce ở Đông Nam Á, đồng nghĩa rằng nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục rót tiền vào các nền tảng như Shopee. Shopee vẫn có thể là sàn e-commerce tiềm năng nhất dù biên lợi nhuận của họ chưa tăng trưởng.

Biên lợi nhuận thấp trong ngành e-commerce và mức độ cạnh tranh cao tại Đông Nam Á cũng là nguyên nhân khiến doanh thu của Shopee đi xuống theo Tan Yinglan, chuyên gia của công ty đầu tư mạo hiểm Insignia Ventures Partners.

Sea gần đây tung ra nền tảng SeaMoney, trụ cột kinh doanh thứ ba, để tìm chỗ đứng trong lĩnh vực thanh toán số. SeaMoney cũng chưa có lãi. Việc có được giấy phép kinh doanh ngân hàng số tại Singapore và thương vụ mua lại Ngân hàng Kesejahteraan Ekonomi của Indonesia có thể thúc đẩy triển vọng của Sea trên mặt trận mới.

Phát triển nóng

Wang của NUS cho rằng Sea phát triển quá nhanh cũng là một "mối lo ngại có cơ sở". Việc mở rộng cần là một phần tăng trưởng tự nhiên của các mảng kinh doanh cốt lõi và liệu Sea có nắm được cách vận hành của nhiều thị trường khác nhau trước khi đầu tư hay không. "Sea là một công ty nền tảng tập trung vào các thị trường mới nổi. Họ có cơ hội tận dụng kho dữ liệu lớn của mình để mở rộng sang các hoạt động kinh tế trực tuyến khác", ông nói. Thành công ở mảng này vẫn là một ẩn số vì thanh toán số là mảng kinh doanh đặc thù đòi hỏi nhiều chuyên môn đặc biệt.

Thông qua mở rộng đến Mỹ Latin, Wang cho rằng Sea có thể khẳng định họ là một công ty toàn cầu chứ không chỉ loanh quanh trong khu vực Đông Nam Á. Tuy vậy, Sea rất khó để lặp lại thành công ở Đông Nam Á tại một thị trường mới.

Chuyên gia Tan của Insignia cũng đồng ý đà tăng trưởng "nhanh và hay tìm tòi khám phá" là đặc tính quan trọng của Sea, góp phần mang lại thành công cho tập đoàn này.

Ông Tan của Insignia cho rằng cạnh tranh khốc liệt là điều dễ hiểu bởi Đông Nam Á đang trở thành "điểm nóng" cho các nhà đầu tư công nghệ và công ty Internet. So với các đối thủ, Sea đã tạo dựng được những lát cắt địa phương hóa mà một công ty nước ngoài sẽ khó có thể đạt được.

Free Fire, một trong những trò chơi nổi tiếng của Garena, được chơi ở 130 thị trường và đạt kỷ lục 80 triệu người dùng hoạt động hàng ngày vào năm ngoái. Ảnh: Handout

Một giải đấu Free Fire, tựa game do Garena phát hành. Ảnh: Handout.

Một lợi thế khác của Sea là mảng game. Game, mạng xã hội và giải trí ngày càng được nhìn nhận là điểm đầu vào cho thương mại điện tử và dịch vụ tài chính. Vẫn còn nhiều cơ hội cho Sea khi kết hợp chéo các sản phẩm với nhau. Tập đoàn còn nhiều cơ hội để thống trị ngành e-commerce khi "ông lớn" Alibaba có những hạn chế về văn hóa và tổ chức khiến họ khó có thể hoạt động hiệu quả bên ngoài Trung Quốc.

Chuyên gia Li từ Momentum Works nhận định Grab là đối thủ lớn nhất của Sea ở Đông Nam Á. Grab đã mở rộng sang lĩnh vực thanh toán và dịch vụ tài chính và sở hữu đủ nguồn lực để thành công.

Thành Dương (theo SCMP)