Theo Nikkei Asia, số startup chuyển trạng thái thành kỳ lân đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng hai năm. Công nghệ 4.0 trong đó số hóa và trí tuệ nhân tạo được xem là động lực chính cho sự phát triển của mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu.
Forter, một công ty khởi nghiệp an ninh mạng của Mỹ vừa trở thành kì lân thứ 500. Giá trị của startup này đã vượt quá một tỷ USD vào ngày 19/11 và đạt 1,3 tỷ USD theo công ty nghiên cứu CB Insights.
Mỹ đang là quốc gia dẫn đầu về số lượng kỳ lân với 242 startup, tiếp theo là Trung Quốc với 119. Hai quốc gia khác là Anh và Ấn Độ đóng góp 24 công ty. Hàn Quốc có số lượng kỳ lân đứng thứ 6 với 11 startup. Indonesia đứng thứ 10 trong danh sách với 5 startup, Nhật Bản đứng thứ 11 với 4 kỳ lân.
Trong số này, có 89 startup hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử và chăm sóc sức khoẻ đạt giá trị trên một tỷ USD, bất chấp những lo ngại Covid-19 sẽ tác động tiêu cực đến việc gọi vốn.
Năm 2019, 122 startup trở thành kỳ lân. Lĩnh vực fintech chiếm 20%, các công ty AI chiếm 13%. Phải mất 4 năm để số lượng startup trở thành kỳ lân được CB Insights công nhận tăng lên con số 250, tuy nhiên chỉ trong vòng 2 năm con số này đã tăng gấp đôi.
Theo giới khởi nghiệp, tốc độ được đẩy nhanh bởi các nhà đầu tư và các doanh nghiệp lớn đặt cược vào startup bởi triển vọng tăng trưởng tốt.
Tại Việt Nam, theo báo cáo kinh tế số E-Conomy SEA năm 2020, VNPay vừa trở thành kỳ lân công nghệ thứ 2 sau vòng gọi vốn năm ngoái từ Softbank Vision Fund và qũy đầu tư nhà nước GIC. VNPay sở hữu mạng lưới thanh toán bằng mã QR phổ biến ở các thành phố lớn. Trước đó, VNG là kỳ lân đầu tiên của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực Internet, dựa trên nền tảng công nghệ cung cấp dịch vụ tới người dùng đầu cuối.
Ở Đông Nam Á, ngoài VNPay và VNG còn 10 kì lân công nghệ khác gồm: Bigo, Bukalapak, Gojek, Grab, Lazada, Razer, OVO, Sea Group, Traveloka và Tokopedia. Grab và Gojek là "siêu kì lân" khi được định giá trên 10 tỷ USD.
Thành Dương