Hủy
Xu hướng Thứ tư, 7/7/2021, 14:49 (GMT+7)

SoftBank muốn huy động 7,3 tỷ USD trái phiếu

Tập đoàn đầu tư của Nhật Bản chuẩn bị bán ra 8 loại trái phiếu bằng đồng ngoại tệ, dự định thu về khoảng 7,3 tỷ USD.

Trong thông báo mới đây SoftBank cho biết, sẽ phát hành 8 loại trái phiếu khác nhau, một nửa bằng đồng USD và phần còn lại bằng đồng Euro, trong đợt bán trái phiếu ra nước ngoài đầu tiên kể từ năm 2018. Đây sẽ là khoản nợ nước ngoài lớn nhất trong lịch sử của gã khổng lồ đầu tư công nghệ Nhật Bản.

8 loại trái phiếu sẽ được cung cấp cho các nhà đầu tư và tổ chức bên ngoài Nhật Bản và Mỹ. Trái phiếu bằng đồng USD kỳ hạn 5 năm có mức lãi suất 4% một năm. Trong khi đó, trái phiếu bằng đồng Euro kỳ hạn tương tự được áp mức lãi suất thấp hơn đáng kể, 2,875% một năm.

Nhiều người chờ đợi đợt phát hành trái phiếu của Softbank. Ảnh:

Nhiều người chờ đợi đợt phát hành trái phiếu của Softbank. Ảnh: Reuters.

Theo SoftBank, số tiền huy động được sẽ dùng để trả nợ và phục vụ các mục đích chung của công ty, gồm duy trì trạng thái tiền mặt để mua lại các trái phiếu chưa thanh toán trong vòng hai năm tới và các khoản đầu tư mới. Khả năng cao, SoftBank sẽ tăng cường rót vốn vào các startup kỳ lần tiềm năng, giống như những gì họ đang làm.

Tập đoàn SoftBank đã ra mắt quỹ Vision Fund đầu tiên vào năm 2017, với số vốn gần 100 tỷ USD. Vision Fund 2 ra đời không lâu sau đó cũng tăng gấp đôi số tiền phân bổ lên 40 tỷ USD khi đẩy mạnh đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI).

Masayoshi Son, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của SoftBank Group, cho biết ông đang tập trung vào việc tăng gấp đôi số lượng các công ty khởi nghiệp được Vision Fund hỗ trợ lên khoảng 500 công ty. Con số khổng lồ, nhiều hơn lượng startup giá trị trên 100 triệu USD của một số khu vực.

Hiện 100% vốn của Vision Fund 2 do SoftBank cung cấp. Với việc bán trái phiếu, SoftBank đặt mục tiêu huy động tiền mặt cho các khoản đầu tư bổ sung. Giám đốc tài chính Yoshimitsu Goto đánh giá nhu cầu của nhà đầu tư rất lớn, cao gấp đôi số lượng trái phiếu Tập đoàn này phát hành.

Thành Dương (theo Nikkei)