Hủy
Xu hướng Thứ tư, 18/7/2018, 00:00 (GMT+7)

Startup 6 tỷ đôla của Trung Quốc tham vọng thành Amazon về y tế

Nền tảng về chăm sóc sức khỏe trực tuyến hiện quy tụ hơn 220.000 bác sỹ và 27 triệu tài khoản người dùng hoạt động hàng tháng.

WeDoctor - nền tảng online cung cấp các giải pháp về sức khỏe, được hậu thuẫn bởi ''gã khổng lồ'' công nghệ của Trung Quốc Tecent Holdings, mới đây vừa công bố huy động được 500 triệu USD từ các nhà đầu tư. Lần huy động này đưa giá trị công ty lên gần 6 tỷ USD.

Thành lập vào năm 2010, WeDoctor đem đến ứng dụng chẩn đoán và sắp xếp lịch khám bệnh, đồng thời cho phép người dùng trao đổi trực tiếp với bác sỹ qua nền tảng trực tuyến. Ứng dụng đem đến một giải pháp cho tình trạng nổi cộm bậc nhất hiện nay ở các bệnh viện Trung Quốc là quá tải khám chữa bệnh. Nhiều người sẵn sàng trả phí để hưởng các dịch vụ y tế nhanh chóng, thuận tiện hơn. Do đó, giải pháp công nghệ từ WeDoctor được giới chuyên gia đánh giá cao.

Chi phí y tế tại Trung Quốc dự kiến chạm mốc một nghìn tỷ USD vào năm 2020, theo nghiên cứu của tập đoàn tư vấn McKinsey & Co. Trong đó, lĩnh vực dịch vụ chăm sóc sức khỏe cá nhân và bảo hiểm  được cho là ''miếng bánh'' màu mỡ hơn cả.

WeDoctor đặt tham vọng tạo nên một cuộc cách mạng trong ngành y tế, vốn ứng dụng công nghệ còn khá sơ khai, tạo thị trường ngách tiềm năng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Hiện tại, WeDoctor tập trung vào bốn mảng chính gồm chăm sóc sức khỏe, công nghệ cloud, bảo hiểm và dược phẩm. Đội ngũ sáng lập cho biết, nền tảng hiện tập hợp hơn 2.700 bệnh viện, 220.000 bác sỹ, 15.000 cơ sở bán thuốc và 27 triệu tài khoản người dùng hoạt động hàng tháng.

WeDoctor với tham vọng trở thành Amazon trong lĩnh vực y tế.

WeDoctor với tham vọng trở thành 'Amazon' trong lĩnh vực y tế.

Được tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích dữ liệu người dùng và chẩn đoán, WeDoctor mong muốn trở thành một ''Amazon'' trong lĩnh vực y tế tại Trung Quốc. Từ đặt lịch hẹn khám bệnh, ứng dụng dần phát triển thêm các dịch vụ như theo dõi và tư vấn sức khỏe trực tuyến định kỳ, kê đơn, mở các trung tâm khám chữa bệnh. 

''AI không thay thế được đội ngũ chuyên gia, bác sỹ nhưng chắc chắn là công cụ quan trọng giúp quá trình khám và chữa bệnh chính xác và hiệu quả hơn'', Liao, chuyên gia công nghệ cho biết. ''Nếu tận dụng được sức mạnh từ Internet và AI, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Trung Quốc sẽ chứng kiến nhiều đột phá vào 5 đến 10 năm tới'', ông nhận định.

Theo Bloomberg, startup có trụ sở tại Quảng Châu này vừa kêu gọi thành công được 500 triệu USD từ các nhà đầu tư, bao gồm tập đoàn bảo hiểm AIA Group, tập đoàn New World Development và tập đoàn kinh doanh dược phẩm Shanghai Fosun Pharmaceutical Group. Đây được coi là số vốn huy động lớn nhất trong các startup về sức khỏe trong năm nay.

Các chuyên gia cũng cho rằng, khi ứng dụng phổ biến rộng rãi sẽ góp phần cắt giảm chi phí khám chữa bệnh truyền thống, bao gồm giải quyết tình trạng hối lộ hay mất thời gian chờ đợi trong các bệnh viện.

''Thị trường về dịch vụ sức khỏe ở Trung Quốc còn ở giai đoạn sơ khai, chưa thể coi là tiềm năng nhất'', Leon Qi, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tài chính châu Á thuộc quỹ Daiwa Capital nhận định. ''Khi các công ty về Internert tỏ ra lợi thế trong tiếp cận người dùng trực tuyến, thì những công ty offline lại có thế mạnh khi tận dụng mạng lưới phân phối, các cửa hàng và nguồn lực y tế hiện hữu. Vì vậy, thị trường này khó có thể bị 'lấn át' một sớm một chiều'', ông cho biết.

Tuy nhiên, việc tự do thu thập dữ liệu bệnh nhân cũng làm dấy lên nhiều lo ngại từ giới chức trách về sự ảnh hưởng của các ''ông lớn'' công nghệ. "Ứng dụng vẫn ẩn chứa nhiều bất cập về tính bảo mật, quyền riêng tư, như việc kiểm soát đối tượng tiếp cận bản ghi tình trạng bệnh lý của bệnh nhân hay mục đích sử dụng các dữ liệu'', Jason Siu, chuyên gia phân tích của Guosen Securities chỉ ra.

Đại diện WeDoctor cho hay, ứng dụng thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn. Trong đó, một trong các nguồn quan trọng là mạng lưới hàng trăm các bệnh viện. Tại đây, dữ liệu được đội ngũ bác sỹ xử lý và nhập vào hệ thống database, cung cấp thông tin các bệnh nhân có nhu cầu chuyển sang dịch vụ chăm sóc cá nhân. Những đối tượng này sẽ đăng tải thông tin về tình trạng sức khỏe lên WeDoctor. Bản ghi này sẽ được thu thập, phân loại dựa theo độ tuổi, giới tính, khu vực và triệu chứng. WeDoctor cho biết, dữ liệu được ẩn danh và không được chia sẻ cho bên thứ ba như nhà thuốc, tổ chức bảo hiểm.

''Một trong những lý do khiến tôi tin rằng WeDoctor sẽ nhanh chóng thâu tóm thị trường y tế Trung Quốc là nhu cầu dịch vụ chăm sóc sức khỏe tiện lợi, nhanh chóng ngày càng tăng'', Gilbert Ho, giám đốc NWS Holdings nhận định. Ông bày tỏ, WeDoctor sẽ tận dụng cơ hội này với lợi thế về công nghệ Big Data và AI.

WeDoctor hiện kết nối với hơn 2.700 bệnh viện.

WeDoctor hiện kết nối với hơn 2.700 bệnh viện.

''Công ty dược có thể tiếp cận khách hàng bằng việc thực hiện các chiến dịch hợp tác cùng WeDoctor, hoặc thông qua các hội thảo đào tạo mạng lưới 220.000 bác sỹ. Đó là cách thức hiệu quả và tiết kiệm chi phí'', sáng lập WeDoctor chia sẻ. Nguồn thu của startup còn đến từ phí tư vấn thông qua ứng dụng hay dịch vụ trò chuyện trực tuyến theo thời gian thực với các chuyên gia, bác sỹ. Với mỗi phiên tư vấn, người dùng có thể phải trả 500 USD với những chuyên gia hàng đầu, WeDoctor tiết lộ.

Vào tháng 3/2018, WeDoctor vừa mở một cơ sở khám chữa bệnh offline đầu tiên tại Quảng Châu. Dự kiến đến cuối năm nay, startup sẽ thành lập ít nhất 6 bệnh viện tại Bắc Kinh và Nam Kinh. ''Phần lớn các hoạt động giao dịch hiện nay đều có sự can thiệp của Internet. Nhưng đặc thù chăm sóc sức khỏe thì không giống như vậy'', nhà sáng lập WeDoctor chia sẻ. Theo đó, những cơ sở này được coi là phần bổ sung cho ''bệnh viện online''.

Phạm Vân (Theo Bloomberg, Reuters)