Theo khảo sát của Tech in Asia, các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch Covid-19. Một số công ty chứng kiến tốc độ tăng trưởng giảm mạnh từ tháng 12/2019 đến nay. Một số khác đã bỏ lỡ mục tiêu quý đầu tiên năm 2020 do tác động của dịch. Sequoia Capital, công ty đầu tư mạo hiểm từ Mỹ mô tả sự kiện này là "thiên nga đen - Black Swan" - hiện tượng kinh tế cực kỳ hiếm khi xảy ra và không thể dự đoán trước, mang lại nhiều ảnh hưởng nặng nề cho nền kinh tế.
Với hơn 70% các startup hủy bỏ các chuyến công tác để giảm thiểu sự lây lan virus, hoạt động của các công ty đang bị đình trệ, nhất là các công ty hoạt động trong ngành du lịch. Cụ thể, một startup du lịch có trụ sở tại Singapore đã mất hơn 20 triệu USD doanh thu tiềm năng do hủy đặt phòng.
Trong bối cảnh Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng dẫn đến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, startup toàn châu Á cũng chịu những tác động tiêu cực, buộc phải tìm kiếm nhà cung cấp thay thế. Các doanh nghiệp cũng đang chuẩn bị cho viễn cảnh không tốt trong tương lai với nỗ lực tiết kiệm tiền mặt bằng cách giữ lại các kế hoạch mở rộng quy mô và tuyển dụng nhân sự. 40% startup trong khảo sát của Tech in Asia quyết định hoãn lại hoạt động gây quỹ. Dự báo doanh thu tiềm năng trong năm 2020 của các startup này cũng cho thấy con số giảm đáng kể với hơn 23% công ty cho rằng họ sẽ mất từ 1-5 triệu USD.
Một số chuyên gia nhận định, môi trường đầu tư đang có sự thay đổi với hàng loạt cuộc họp quan trọng bị hủy, hạn chế đi lại và thận trọng hơn trong cách quyết định xuống tiền cho các startup. Đặc biệt là thị trường châu Á, nơi bắt đầu cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 với vốn đầu tư mạo hiểm giảm rõ rệt, cụ thể Trung Quốc giảm đến 67% giá trị đầu tư so với năm ngoái (theo Pitchbook).
Việc gây quỹ lớn hơn cho các startup thông qua các buổi giới thiệu nhà đầu tư cũng chịu tác động, nhất là các giao dịch đã ở giai đoạn cuối kỳ rất có thể bị trì hoãn và không hoàn thành. Làm việc từ xa cũng là yếu tố làm chậm quá trình hậu thuẫn vốn cho các công ty khởi nghiệp vì quá trình thẩm định, nói chuyện với người tiêu dùng, các startup, các nhà sáng lập, nhân viên không được diễn ra.
"Một số nhà đầu tư giai đoạn cuối cũng đang bận tâm đánh giá tác động của Covid-19 và sự biến động của thị trường tài chính đối với danh mục đầu tư của họ. Vì các quyết định đầu tư mới có xu hướng lạc hậu sau sự kiện này", Ashish Sharma - CEO của InnoVen Capital Ấn Độ cho biết.
Không chỉ các nhà tài trợ, các công ty và startup đang tìm kiếm nguồn tài trợ cũng phải dành thời gian để xem xét lại mọi thứ. Chua Kee Lock - CEO Vertex Holdings, một công ty con của Temasek Holdings, Singapore cho rằng các nhà khởi nghiệp có thể cần thêm thời gian xét duyệt hồ sơ đầu tư từ 5-6 tháng hoặc tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh kéo dài, thay vì 3-4 tháng như trước đây.
Các nhà đầu tư mạo hiểm nhận định để vượt qua thời kỳ khó khăn này, những doanh nghiệp còn non trẻ cần thực hiện các điều chỉnh nhanh chóng và quyết đoán để thay đổi hoàn cảnh. Trong thời kỳ suy thoái, doanh thu và tiền mặt luôn giảm nhanh hơn chi phí thì những người sống sót không phải là người mạnh nhất hay thông minh nhất mà là người dễ thích nghi nhất với sự thay đổi.
Matthew Ocko, đồng sáng lập của công ty đầu tư mạo hiểm DCVC cho biết, bất kỳ thảm họa hay cú sốc nào đối với nền kinh tế cũng gây mất tập trung, tâm lý hoang mang mất niềm tin của công chúng, chỉ những công ty khởi nghiệp tốt, nền tảng bền vững, chiến lược rõ ràng sẽ tiếp tục nhận được tài trợ, nhưng có thể thời gian sẽ kéo dài và cạnh tranh cao hơn trước.
"Các công ty khởi nghiệp tốt sẽ tiếp tục nhận được tài trợ, nhưng có thể thời gian giải ngân chậm và chịu nhiều cạnh tranh hơn", Matthew Ocko nói.
Các công ty nên xem xét lại kế hoạch chi tiêu, số lượng nhân viên, cắt giảm chi phí và chuẩn bị cho một môi trường bán hàng, gây quỹ thay đổi trong năm 2020.
Trang Anh