Thành lập năm 2014, các sản phẩm cốt lõi của startup này bao gồm chức năng tìm kiếm hình ảnh, tra cứu dữ liệu bài tập về nhà, gia sư 1-1 và giảng dạy trực tuyến. Để sử dụng, học sinh tải ảnh chụp bài tập lên hệ thống. Sau đó, công cụ sẽ phân tích, tìm kiếm trong cơ sở dữ liệu và đưa ra đáp án. Startup sử dụng công nghệ thị giác máy tính để đọc các câu hỏi từ hình ảnh.
Hiện cơ sở dữ liệu của startup này chứa khoảng 165 triệu lời giải bài tập, và liên tục tăng thêm 2 triệu đơn vị thông tin mỗi tháng. Với các câu hỏi không có sẵn đáp án, người dùng có thể chọn trả tiền để nghe giảng trực tiếp từ các giáo viên là đối tác của startup.
Năm 2015, công ty gọi vốn thành công ngay từ vòng đầu tiên với 25 triệu USD. Liên tiếp hai năm sau đó, startup này nhận thêm 60 triệu USD và 150 triệu USD sau hai vòng gọi vốn Series A và Series B.
"Tất cả dịch vụ chúng tôi cung cấp đều đòi hỏi khả năng công nghệ rất cao. Mỗi bước trong quá trình tìm kiếm hình ảnh (chuyển đổi từ ảnh ra ký tự, tìm kiếm ký tự và đưa ra câu trả lời) khá rắc rối. Đối với người dùng, thời gian phản hồi rất quan trọng. Ứng dụng có thể cung cấp lời giải trong vòng 0,8 giây", CEO Hou Jianbin cho biết.
Bên cạnh đó, nền tảng giáo dục này còn có chức năng lớp học trực tuyến- xây dựng bài học dựa trên phân tích hành vi người dùng nhằm mang lại hiệu quả học tập cao nhất.
"Trong một lớp học kéo dài 1,5 giờ, nền tảng sẽ phân tích dữ liệu để biết khi nào các em cảm thấy mệt mỏi hay khi nào hào hứng và hoàn toàn tập trung vào bài giảng", đại diện công ty cho biết.
Từ đó, các lớp học trực tuyến được thiết kế để cung cấp cho người dùng nhiều kiến thức quan trọng vào thời điểm họ tập trung nhất.
Ý tưởng xây dựng mạng xã hội giúp giải quyết bài tập về nhà có vẻ là cách hữu ích để thu hút thế hệ trẻ của Trung Quốc. Mặc dù vậy, startup cũng gặp không ít khó khăn. Chức năng tìm kiếm hình ảnh đối mặt với thách thức từ phía công chúng về việc liệu ứng dụng này có giúp học sinh học tốt hơn hay chỉ cung cấp một công cụ cho phép các em giảm khối lượng học hành, gian lận để tìm ra đáp án dễ dàng hơn.
Một khó khăn khác mà Zuoyebang phải đối mặt đó là môi trường phát triển có tính cạnh tranh cao tại Trung Quốc. Hiện nay, Zuoyebang đang trực tiếp đối mặt với nhiều đối thủ như: Xueba100 và Yuanfudao. Cả hai công ty này đều cung cấp dịch vụ tương tự và cũng gọi vốn thành công hơn 350 triệu USD. Thậm chí Yuanfudao còn được chống lưng bởi Tencent.
Hiện nay, Zuoyebang có khoảng 300 triệu người dùng và con số này vẫn không ngừng tăng lên, tuy nhiên đại diện công ty cho biết, họ thực chất mới đang ở giai đoạn khởi đầu. Mục tiêu phát triển hiện tại là mở rộng cơ sở người dùng để tăng trưởng hơn nữa. Các mô hình kiếm ra tiền cho Zuoyebang như gia sư trực tuyến hay lớp học dưới dạng livestream đang hoạt động khá ổn định.
Dù gặp nhiều thử thách, Zuoyebang rất thành công trong việc duy trì niềm tin từ các nhà đầu tư. Series A diễn ra vào năm 2015 thành công với số tiền đầu tư của Sequoia và Legend Capital. Hai công ty này cũng tiếp tục ủng hộ Zuoyebang trong hai vòng gọi vốn tiếp theo bên cạnh các nhà đầu tư mới như GGV Capital và Coatue Mangament.
Vi Vũ (Theo Technode)