Để tìm hiểu tác động của dịch đối với hoạt động đầu tư toàn cầu, đặc biệt là đầu tư mạo hiểm tại châu Á, CB Insight xem xét hệ quả của những trận dịch tương tự trong gần 20 năm qua.
Tháng 11/2002, SARS "quét" qua châu Á như một cơn bão và gây thiệt hại nặng. Phải mất ba tháng sau khi xuất hiện những ca nhiễm virus đầu tiên tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, thế giới mới biết đến đại dịch SARS. Tháng 3/2003, WHO ban bố tình trạng khẩn cấp khiến giới đầu tư toàn cầu cảnh giác cao độ vì tác động rộng khắp của chủng virus cùng thuộc họ corona này. Hàng chục quốc gia và Trung Quốc nói riêng mất hơn một năm để đối phó với dịch suy hô hấp cấp. Đến tháng 5/2004, WHO mới công nhận Trung Quốc đã vượt qua đại dịch hoàn toàn.
Kết quả, tổng giá trị các khoản đầu tư tại châu lục này trong năm 2003 và 2004 lần lượt giảm 27% và 29% so với năm 2002. Tuy nhiên dư chấn cũng sớm qua. Từ quý III/2013, số lượng và giá trị giao dịch, đầu tư dần hồi phục và chỉ mất khoảng một quý để về mức tương đương với trước khi đại dịch xảy ra. Đáng chú ý chỉ sau hơn một năm kể từ khi chấm dứt dịch SARS, thị trường vốn châu Á lập kỷ lục với nhiều vụ đầu tư "lịch sử", trong đó có vụ Yahoo rót một tỷ USD vào Alibaba.
Trong khi đó tại châu Mỹ, dịch virus Zika manh nha vào đầu năm 2015 tại Brazil và lan rộng ra Nam Mỹ cũng như toàn thế giới. Đến quý I/2016, virus do muỗi Zika truyền nhiễm khiến cả thế giới xôn xao và kéo dài gần một năm đến khi hạ nhiệt vào khoảng tháng 11. Cơn dịch này khiến giá trị các hoạt động đầu tư tại Nam Mỹ giảm một nửa so với năm 2015 nhưng cũng chỉ mất thêm khoảng nửa năm để bước vào giai đoạn tăng tốc mạnh mẽ. Quý II/2017 chứng kiến 248 vụ đầu tư với mức giá trị kỷ lục 2,9 tỷ USD.
Các chuyên gia của CB Insight dự báo, dịch do virus nCoV hiện tại cũng sẽ trải qua những giai đoạn tương tự hai trận dịch trước.
Từ trước khi đại dịch bùng phát cuối năm 2019, thị trường vốn Trung Quốc đã xuất hiện tín hiệu hạ nhiệt do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Năm 2019, tổng giá trị đầu tư rót vào các startup Trung Quốc giảm 44% so với năm 2018 về mức 54 tỷ USD, theo CVSource. Đà giảm tốc dự kiến còn tiếp tục kéo dài trong năm nay, nhất là khi Trung Quốc đang hứng chịu trận dịch khiến hàng trăm người chết, hàng chục nghìn người bị lây nhiễm và buộc WHO phải công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu.
Tuy nhiên, "vùng trũng" do ảnh hưởng từ dịch được dự báo sẽ sớm qua sau khi các nước kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Kinh nghiệm đối phó SARS trước đây cũng là một cơ sở củng cố niềm tin của giới đầu tư. CB Insight dự báo, ngay khi WHO chấm dứt tình trạng khẩn cấp toàn cầu, thị trường sẽ sớm hồi phục chậm nhất trong hai quý kế tiếp và sẽ chứng kiến những mức đỉnh mới trong số lượng lẫn giá trị các khoản đầu tư.
Khánh Anh (theo CB Insight, Techinasia)