Phong trào khởi nghiệp trong nước mới chỉ phát triển mạnh mẽ khoảng ba năm trở lại đây. Trong khoảng 5 triệu đơn vị kinh doanh đang hoạt động, hiện số lượng công ty khởi nghiệp dừng lại ở con số 5.000. Đó là nhận định của ông Phạm Tuấn Hiệp, quản lý dự án BK-holdings cho biết trong sự kiện Networking - giao lưu doanh nghiệp do Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cuối tuần trước.
Tuy non trẻ, startup Việt Nam có nhiều điều kiện, tiềm năng để phát triển nếu các bên có liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp như Nhà nước, khu vực tư nhân kết hợp, hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp, theo bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, Phòng hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và đầu tư.
Một trong những lực đẩy quan trọng đối với các dự án khởi nghiệp là vốn. Gần đây, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đến từ khu vực kinh tế tư nhân cũng đã bắt đầu tìm hiểu và đầu tư cho các startup. Ngoài ra, hiện có khoảng 40 quỹ đầu tư mạo hiểm, chủ yếu là các quỹ nước ngoài.
Chính phủ có một dự án hỗ trợ vay ưu đãi - quỹ ITP rót vốn cho các startup Việt. Bên cạnh đó, hai quỹ vốn Nhà nước khác là Quỹ Đổi Mới Công Nghệ Quốc gia (NATIF), Quỹ Phát Triển Doanh Nghiệp Nhỏ và Vừa đang được Chính phủ mở rộng đối tượng nhằm hướng tới các doanh nghiệp khởi sự.
Cơ cấu dân số trẻ với hơn 54 triệu người trong độ tuổi lao động cũng được nhiều nhà đầu tư nước ngoài công nhận là một điểm cộng của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.
Thêm vào đó, nhiều nhà đầu tư, chuyên gia từ Singapore, Phần Lan đánh giá cao đội ngũ nhân lực Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, toán, ngoại ngữ. Nhiều du học sinh trở về nước lập nghiệp cũng là dấu hiệu khả quan, tích cực đối với nền kinh tế mới.
Việt Nam cũng thuộc top 10 nước có lượng người sử dụng Facebook lớn nhất thế giới. Điều này được cho là điều kiện thuận lợi để các startup Việt Nam phát triển hạ tầng Internet, quy mô thị trường, chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang trực tuyến.
Năm 2016 - 2017, nhiều chương trình, thông tin về hệ sinh thái Việt Nam, phong trào khởi nghiệp của các startup Việt được truyền tải qua kênh thông tin đại chúng nhằm tăng nhận thức của xã hội với vấn đề khởi nghiệp.
Hiện số lượng startup tăng trưởng nhanh ở nhiều lĩnh vực như công nghệ, fintech, thương mại điện tử… Tuy nhiên, hiện hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn chưa có startup "kỳ lân" - công ty có nền tảng công nghệ được định giá trên một tỷ USD - yếu tố đóng vai trò lan tỏa trong hệ sinh thái.
Tại các nước phát triển, vai trò của các startup "kỳ lân" là thúc đẩy chuỗi giá trị cho các startup trong hệ sinh thái tại quốc gia đó. Các startup thành công sẽ trở thành nhà đầu tư hỗ trợ startup khác, từ đó lan tỏa các giá trị trong hệ sinh thái khởi nghiệp.
Huyền Trang