Ample, một startup có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) vừa triển khai các trạm có thể sạc đầy pin một chiếc ôtô điện trong vòng chưa tới 10 phút. Công ty này vốn có quan hệ đối tác với Uber và từng nhận hơn 70 triệu USD từ các nhà đầu tư tư nhân. Hai trạm sạc đang phục vụ cho đội xe của Uber tại San Francisco và dự kiến sẽ tung ra thị trường chung trong vòng vài năm tới.
Kỳ vọng giúp một tỷ chiếc xe điện lăn bánh
Trạm sạc của Ample sử dụng hệ thống hoán đổi pin mô-đun đầu tiên trên thế giới. CEO Khaled Hassounah cho biết, hệ thống hoán đổi pin mô-đun hoạt động giống như "khối lego". Từ kích thước của xe, trạm sẽ xác định xe cần bao nhiêu mô-đun pin và các mô-đun có thể thích ứng để phù hợp với một số loại xe.
Không giống như các trạm sạc thông thường, yêu cầu cắm điện cho ôtô và có thể mất từ 45 phút đến 12 giờ, các trạm sạc của Ample tháo pin của ôtô và thay thế bằng pin mới sạc. Pin cạn kiệt sau đó được sạc lại để sử dụng trong lần sau. Hệ thống vận hành hoàn toàn tự động. Theo Hassounah, khách hàng sẽ thanh toán qua ứng dụng, không cần ra khỏi xe để sạc xe điện. Trạm tự động phát hiện xe và thao tác.
Chủ tịch John de Souza của Ample cho biết, mục tiêu của công ty là làm cho ôtô điện dễ tiếp cận nhất có thể. Đối với nhiều tài xế, quyết định chuyển từ động cơ đốt trong sang ôtô điện là không khả thi do thời gian sạc lâu và ôtô không thể đi được quãng đường dài.
"Xe điện không nên được trợ cấp bởi chính phủ hoặc phải trả một khoản chi phí cá nhân quá lớn. Nó phải tiện lợi hơn động cơ đốt trong đến mức mọi người tự hỏi: 'Tại sao tôi không chuyển qua xe điện?'", ông nêu quan điểm trên Business Insider.
Startup tính phí các tài xế đội xe Uber trên mỗi dặm và cung cấp dịch vụ của mình với mức phí thấp hơn 10-20% so với chi phí xăng. Hassounah cho biết, hệ thống mô-đun của pin cho phép quá trình này đơn giản và rẻ hơn. Các trạm cũng dễ dàng lắp đặt và tháo dở vì chúng có cấu trúc riêng, ghép lại với nhau một cách nhanh chóng.
CEO startup này cho biết, Ample hy vọng sẽ giúp đưa một tỷ chiếc xe điện lăn bánh trên đường. Công ty đang trong quá trình làm việc với năm nhà sản xuất ôtô lớn, trong đó có Nissan, nguồn tin riêng của Tech Crunch cho biết. Còn theo Forbes, ngoài Nissan, startup trên còn bắt tay với Mercedes-Benz và Kia.
Chịu cạnh tranh lớn
Năm 2013, thị trường có 220.000 xe điện, theo số liệu từ Statista. Con số này đã tăng lên 4,8 triệu vào năm 2019. Tech Crunch cho rằng, đây là một thị trường hấp dẫn với dịch vụ sạc pin ôtô điện.
Ample không phải là công ty đầu tiên sử dụng công nghệ hoán đổi pin và phải đối mặt với sự cạnh tranh từ ít nhất sáu startup có chiến lược tương tự . Ở Trung Quốc, quốc gia dẫn đầu trong ngành công nghiệp ôtô điện, việc này còn phổ biến hơn nhiều. Hãng xe điện Nio đã thành công với công nghệ này ở sân nhà.
Vào năm 2013, CEO Elon Musk của Tesla đã giới thiệu công nghệ hoán đổi pin, nhưng hai năm sau đó, ông từ chối công nghệ này để tập trung vào các trạm sạc siêu tốc của công ty. Lý do đưa ra là công nghệ này quá đắt.
Một startup khác có trụ sở tại Israel, Better Place, cũng đầu tư vào công nghệ hoán đổi pin. Các nhà đầu tư vào công ty đã mất hơn 850 triệu USD khi ý tưởng này không thành công. Better Place không thể tìm được các nhà sản xuất ôtô sẵn sàng sản xuất xe bằng công nghệ pin của mình và cũng không bền vững về mặt tài chính để sản xuất đủ các loại pin khác nhau so cho phù hợp với từng loại ôtô điện trên thị trường.
Hassounah cho biết Ample đã học được từ những sai lầm của Better Place. Pin mô-đun của công ty rẻ hơn so với nỗ lực tìm cách sạc nhanh của Tesla và sẽ phù hợp với bất kỳ chiếc xe nào không giống như phương pháp hoán đổi pin của Better Place.
Tuy nhiên theo Forbes phân tích, việc mở trạm sạc nơi công cộng như Ample đang làm, chưa chắc nhận nhiều sự ủng hộ của người dùng. Những ai sở hữu ôtô điện tầm xa như của Tesla chỉ cần sạc tại nhà mỗi tối là luôn có pin đủ phạm vi hoạt động hàng ngày của họ. Việc sạc không mất thời gian vì lúc ấy người dùng đang ngủ và mọi việc diễn ra ngay tại nhà, không cần người dùng di chuyển đến trạm sạc. Nhưng với những chuyến đi đường dài, pin vẫn là nỗi lo cho chủ nhân xe điện.
Tất Đạt (theo Business Insider, Tech Crunch, Forbes)