Hủy
Ý tưởng mới Thứ sáu, 10/6/2016, 09:00 (GMT+7)

Bỏ lương nghìn USD để mở quán bánh đa Hải Phòng

Làm quản lý cho công ty nước ngoài với mức lương đáng mơ ước nhưng chị Nguyễn Diệu Hương vẫn quyết định buông bỏ để tự khởi nghiệp với món ăn quê chồng.

Tốt nghiệp Đại học tại Matxcova theo chương trình học bổng toàn phần, trở về nước, chị Hương làm quản lý tại hãng thời trang danh tiếng thế giới, Louis Vuitton. Chị từng nhận mức thu nhập 2.000 USD vào những năm 2008-2010. Tuy nhiên, sau khi lấy chồng người Hải Phòng, có cơ hội về đất cảng thưởng thức món ngon, ước mơ lập doanh nghiệp của chị Hương như được thôi thúc mạnh mẽ.

Bà chủ 8x cho biết: "Lần đầu tiên thưởng thức bánh đa của Hải Phòng, tôi đã rất ấn tượng. Nhưng ở đất Thủ đô tìm được nơi có hương vị đặc trưng này rất khó. Do đó, tôi bàn với chồng về mong muốn mở một nhà hàng giới thiệu ẩm thực, chuyên kinh doanh đồ ăn của thành phố hoa phượng đỏ tại thủ đô".

Chị Nguyễn Diệu Hương, chủ chuỗi cửa hàng An Biên.

Chị Nguyễn Diệu Hương, chủ chuỗi cửa hàng An Biên.

Số vốn tích góp từ những năm tháng làm việc được đôi vợ chồng trẻ mang ra lập nghiệp. Cả hai có chút lo sợ vì lần đầu kinh doanh nhưng với bản tính ưa mạo hiểm, chị Hương quyết theo đam mê tới cùng. Viên gạch đầu tiên của hệ thống An Biên chỉ là cửa hàng nhỏ rộng 40m2 trên đường Triệu Việt Vương. Thực đơn khi đó cũng rất đơn giản, đúng một món bánh đa cua.

Vốn không có kinh nghiệm trong ngành ẩm thực, chị Hương đã mò mẫm tìm kiếm công thức, tự tay trang trí cửa hàng và chăm chút từng loại hoa đặc trưng được lựa chọn theo tháng. Chị cũng đặt ra những tiêu chuẩn cho món ăn tại An Biên. Theo đó, chúng vừa phải lưu giữ đúng từ công thức tới nguyên liệu như phiên bản gốc nổi tiếng Hải Phòng, nhưng cũng có điều chỉnh và phát triển để phù hợp khẩu vị tinh tế ở Hà Nội.

Nói về sự đặc trưng trong phong cách ẩm thực giữa hai thành phố, chị Hương tâm sự: "Bánh đa cua, bún cá, bún tôm rất phổ biến và được người dân Hải Phòng lựa chọn cho bữa sáng quen thuộc như người Hà Nội ăn phở vậy. Bánh đa cua Hải phòng đặc biệt phong phú về nhân ăn kèm trong bát nước dùng cua đồng như chả lá lốt, chả cá, tôm sắt xào và chả mọc, ăn kèm rau muống hay rau rút (theo mùa) trong khi bún tôm và bún cá thanh mát ngọt vị". Nhờ niềm đam mê lớn với ẩm thực, chị Hương đã đặt cả tình yêu vào phát triển các món ăn Hải Phòng và chuỗi các nhà hàng An Biên bắt đầu hình thành.

Chị Hương từng bỏ công việc lương nghìn USD để khởi nghiệp.

Chị Hương từng bỏ công việc lương nghìn USD để khởi nghiệp.

Những ngày đầu khởi nghiệp, bà chủ hệ thống An Biên vẫn chưa dám bỏ việc vì suy nghĩ: "Không biết tương lai ra sao". Sự nửa vời đã khiến chị Hương gặp không ít khó khăn. Đầu tiên là nhân sự. Do vừa đi làm, vừa quản lý cửa hàng nên chị không thể tập trung kinh doanh, đào tạo nhân viên bài bản. Ngành phục vụ cần nhất là sự hiếu khách, tính trách nhiệm và kỷ luật. Nhưng nhân viên cửa hàng không thực hiện tốt điều đó. Nhiều phản ánh của khách khiến chị Hương trăn trở. Trong suốt một năm đầu, cửa hàng thua lỗ, không sinh lời. Lắm lúc, cô gái gốc Hà Thành muốn buông xuôi, tuy nhiên khi nghĩ tới sứ mệnh đã hứa với bản thân phải: "Quảng bá văn hoá ẩm thực sản phẩm đất cảng tới mọi miền đất nước ở Thủ đô", chị tự an ủi mình vững tin hơn để tiến bước.

bo-luong-nghin-usd-de-mo-quan-banh-da-hai-phong-2

Đội ngũ nhân sự của An Biên.

Thay vì nản chí, chị Hương tìm nguyên nhân mình thất bại, cập nhật phương pháp kinh doanh hiệu quả bằng các khoá học ngắn hạn. Năm 2011, chị quyết định nghỉ việc, toàn tâm chăm sóc phát triển An Biên. Để kiểm soát đầu vào chất lượng tốt nhất, ngoài việc tìm hiểu lựa chọn nhà cung cấp uy tín, hàng ngày, chị trực tiếp thực hiện, theo dõi công đoạn này sát sao bởi chỉ có những nguyên liệu ngon mới cho ra những món ăn hoàn hảo.

Hai vợ chồng cũng thực hiện rất nhiều khảo sát với từng nhóm đối tượng khách hàng từ sở thích, mong muốn, dịch vụ ẩm thực để điều chỉnh và làm tốt hơn nữa. Riêng nhân sự, chị Hương trực tiếp đào tạo, đưa ra những chế độ đãi ngộ minh bạch hấp dẫn. Mọi thứ được đưa vào quy định tiêu chuẩn nhà hàng từ diện mạo của đội ngũ nhân viên, cách đặt đũa, thìa, cách giao tiếp với khách hàng. Bà chủ cũng gắn hệ thống giám sát, đặt ra khen thưởng và đãi ngộ minh bạch. Đến nay, nhân sự là một trong những điểm tự hào của An Biên. Dù ngành phục vụ luôn biến đổi người làm, nhưng nhiều nhân viên rất gắn bó với các cửa hàng của hệ thống, đã trưởng thành và cùng chứng kiến sự hình thành và phát triển của thương hiệu An Biên suốt 5 năm, kể cả những vị trí thấp nhất.

Những bước đi chắc chắn đã giúp vợ chồng chị thu được thành công nhất định. Sau lần cải tổ, An Biên nhận được nhiều phản hồi rất tích cực từ khách hàng. Từ đó, doanh số cũng tăng nhanh. Mỗi ngày, mỗi nhà hàng bán được vài trăm bát bánh đa cua, suất ăn các loại. Ngoài cửa hàng ban đầu, tính đến tháng 7 năm nay, An Biên đã chuẩn bị ra mắt cơ sở thứ 3 tại trung tâm quận Hoàn Kiếm. Bên cạnh bánh đa cua, bún cá, bún tôm, một số đồ tráng miệng quen thuộc trên khắp các chợ hay con phố nhỏ trong thành phố cảng cũng được đưa vào thực đơn. Đó là thạch xanh, thạch quy linh cao ăn kèm với mật ong, caramen.… rất hấp dẫn, ngon miệng và trở thành "món ruột" của rất nhiều khách quen

Kế hoạch của chị Hương sắp tới sẽ phủ sóng 8 cửa hàng tại Hà Nội. "Mỗi cửa hàng là một câu chuyện về Hải Phòng. An Biên đã có cửa hàng thứ nhất về chủ đề phố với hình ảnh tái hiện Hải Phòng sau thời kỳ đổi mới, quán thứ hai có chủ đề bến cảng, kể tiếp những câu chuyện về chợ, cây cầu, đoàn tàu, hoa phượng…”, chị Hương chia sẻ. Dù đã xúc tiến gặp gỡ ban đầu với một vài nhà đầu tư tiềm năng, nhưng chị Hương vẫn chưa hài lòng. Chị cho rằng mình cần một nhà đầu tư thật sự có tầm để biến giấc mơ phổ biến ẩm thực Hải Phòng tới mọi miền đất nước trở thành hiện thực.

Chị Hương không quên đưa ra lời khuyên với các bạn trẻ, lứa tuổi lý tưởng nhất để khởi nghiệp là từ 27-35 tuổi. Bởi theo chị, lúc đó họ đã có kinh nghiệm làm việc 5-10 năm và đã tích lũy kiến thức chuyên môn, kiến thức quản trị, kỹ năng làm việc cũng như đã có một số vốn ban đầu và những mối quan hệ trong công việc. Lứa tuổi này không quá mơ tưởng, bay bổng về ý tưởng của mình và ngược lại họ cũng không e ngại, dị ứng với rủi ro.

Khi quyết định khởi nghiệp phải hiểu rõ công việc mình sẽ làm, đam mê nó. Ngoài ra, theo bà chủ sinh năm 1983, không nên kinh doanh một mình mà tốt hơn cần chọn người đồng hành - những người đủ hiểu và hai bên sẽ bổ sung thế mạnh cho nhau, giúp công việc thêm trôi chảy và thành công.

Linh Hân