Hủy
Ý tưởng mới Thứ tư, 7/5/2014, 09:26 (GMT+7)

Cào trứng sò huyết - nghề lạ dễ sống của ngư dân

Không cần đầu tư vốn nuôi trồng, dụng cụ đánh bắt lại rẻ và dễ làm, nghề cào trứng sò huyết đang mang lại thu nhập 200.000-300.000 đồng mỗi ngày cho ngư dân Bạc Liêu.

trung-so-7859-1399426937.jpg

Dụng cụ cào trứng sò huyết đơn giản. Ảnh: NNVN

Từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân, đa phần là người Khơme sinh sống dọc theo đê biển thuộc xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu có cuộc sống ổn định nhờ nghề bán trứng sò huyết cho thương lái. Vào những đợt cao điểm trúng mùa, mỗi ngày có đến hàng ngàn ngư dân bán trứng cho mấy chục thương lái đến từ các địa phương.

Chị Thạch Thị Hồng (ấp 13, xã Vĩnh Hậu A) làm nghề này đã 2 năm cho biết: "Công việc kéo dài khoảng 4 đến 5 tiếng kể từ khi nước chuẩn bị 'ròng', người dân dùng dụng cụ cào cát lẫn trứng sò vào túi lưới mành, sau đó lựa trứng sò ra riêng và mang vào bờ bán lại cho người mua".

Theo chị, cái khó nhất của nghề này là việc biết lựa chọn khoảng cát nào có nhiều trứng sò huyết nằm lẫn lộn trong đó, muốn vậy phải tự dò tìm hàng chục cây số theo bãi biển mới phát hiện được. "Phải biết cách đưa chúng vào dụng cụ cào thật an toàn và phải bảo quản chúng chu đáo vào đến nơi bán", chị Hồng chia sẻ.

Anh Thạch Thon, một ngư dân khá nổi tiếng về tay nghề bắt trứng sò huyết với hơn 20 năm kinh nghiệm nói thêm: "Nói vậy chớ dân chúng tôi sống rất ổn định nhờ nghề này đó nghe. Bản thân tui mỗi ngày kiếm được 200.000-300.000 đồng, vô cao điểm tiền kiếm được còn nhiều hơn gấp bội". Anh kể, mỗi tháng ngư dân tập trung vào 2 đợt nước nhằm ngày 15 và 30 âm lịch hằng tháng, trong đó mỗi đợt cào trứng kéo dài từ 5 đến 6 ngày.

Trong những ngày này, người lao động mang dụng cụ để đánh bắt gồm cào (lưới được niềng miệng bằng khung sắt hình chữ nhật), thau, rổ, dĩa nhôm và chia nhau đi cào trứng dọc theo bãi biển theo phán đoán kinh nghiệm của từng người.

Điều rất ngạc nhiên và có lẽ cũng không đâu có hình thức mua bán lạ thường như nghề bán trứng sò huyết, bởi bên mua và bán thỏa thuận giá cả chỉ bằng hình thức mua sô, mua mớ mà không sử dụng bất kỳ dụng cụ cân đo trọng lượng, kích cỡ nào.

Anh Nguyễn Thái Học, kinh doanh nghề này đã trên 20 năm nói: "Tập quán mua bán đó có từ lâu rồi, thuận mua vừa bán, ngư dân bây giờ nắm chắc giá lắm, mình mua ép giá không được đâu". Trong một ngày anh có thể mua được khoảng 80 triệu đồng trứng sò huyết, có hôm lên đến 120 triệu. Thương lái mua tại đây ước khoảng 20 đến 30 người tùy theo số trứng cào được ít hay nhiều.

Nhiều ngư dân cho biết, mùa trứng sò huyết tập trung vào tháng 3 đến hết tháng 4 âm lịch, lái buôn sau khi thu mua sẽ thả chúng vào những khu chăm sóc đặc biệt để tăng trọng.

Sau khoảng 6 đến 7 tháng sống trong đất sình lầy chúng được bán lần 2 cho người nuôi trong những ao hồ. Khi phát triển đúng mức, trứng được bán lại cho những điểm kinh doanh ăn uống và rất được ưa chuộng vì có độ dinh dưỡng cao, vị ngọt, dễ chế biến.

(theo NNVN)