Câu chuyện tình yêu và khởi nghiệp của đôi vợ chồng Joshua, 32 tuổi, người Mỹ và Cơ Liêng Rolan, 28 tuổi, người dân tộc thiểu số K’Ho sống dưới chân núi Lang Biang (Đà Lạt, Lâm Đồng) giống như cổ tích.
Joshua tốt nghiệp đại học ở Mỹ, ngành nông nghiệp và có việc làm ổn định. Hàng năm anh có sở thích du lịch vòng quanh thế giới, đặc biệt là những nước châu Á. Khi đến Việt Nam, Joshua rất yêu mến con người và cảnh vật nơi đây. Để có cơ hội sống ở Việt Nam, năm 2009, Joshua làm việc cho một công ty chuyên tổ chức tour bằng xe Vespa từ TP HCM đi Nha Trang, Đà Lạt và các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Năm 2010, trong một lần đưa khách đến khu du lịch đồi Mộng Mơ, Joshua đã say đắm Cơ Liêng Rolan, thành viên trong đội cồng chiêng của khu du lịch bởi khả năng múa hát. Rolan kể lại, cô chỉ giao lưu số điện thoại bâng quơ như bao khách khác nhưng không ngờ Joshua lại liên lạc rất thật và chân tình. Anh ghé ngôi làng Bnơ ‘C dưới chân núi Lang Biang của cô thường xuyên hơn. Chính trong thời gian này, ngoài chuyện tình cảm, Joshua tình cờ được trải nghiệm việc chăm sóc thu hái cà phê arabica và hòa nhập rất nhanh. Cứ thế, anh dần chinh phục cả gia đình lẫn Rolan để được chấp thuận tiến xa hơn.
Qua nhiều lần lui tới, đầu năm 2014 Joshua quyết định rời hẳn khỏi thành phố Michigan để tiến tới hôn nhân và về sống trong nhà Rolan. Hiện họ đã có một bé trai mang tên ghép giữa 2 dân tộc là Lee Herry Guikema Cơ Liêng. Căn nhà hạnh phúc của họ do Joshua tự thiết kế, dù thiếu tiện nghi nằm ở lưng chừng đồi, bao quanh là vườn cà phê arabica, nhưng hàng ngày tiếp đón rất nhiều khách. Cơ Liêng Rolan cho biết, qua mạng internet, Joshua kết nối với nhiều khách du lịch Mỹ và các nước châu Âu tìm đến mua cà phê của hai vợ chồng.
Rolan kể, từ năm 2010, trong thời gian sống và làm quen với cây cà phê ở Bnơr ‘C, Joshua đã bắt tay vào việc thử nghiệm rang xay cà phê thành phẩm. Hai năm sau, anh quyết định lấy thương hiệu K’Ho Coffee đặt cho sản phẩm của mình. Loại cà phê này sau khi rang xay vẫn mang vị chua của trái cây và gần như 100% cà phê nguyên chất; hạt cà phê được rang chín vừa phải cho ra ly cà phê arabica màu nâu xám, sóng sánh bắt mắt.
Joshua tiến hành đóng gói bằng mẫu bao bì đơn giản, chất phác như tính cách của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên với bên trong có lớp bạc để giữ ẩm và hương vị của cà phê, bên ngoài là bao giấy thô chỉ in logo K’Ho Coffee với hạt cà phê trên nền tấm vải thổ cẩm, hoàn toàn không có địa chỉ. Nhưng những gói cà phê còn nguyên hạt của Joshua mà người mua phải tự xay trước khi dùng đã đi khắp thế giới do khách du lịch tự tìm tới và thông qua mối quan hệ bạn bè của Joshua.
Chàng trai người Mỹ này cho biết, lô hàng 10kg cà phê làm thành công đầu tiên năm 2012 của anh được bán hết ngay. Năm tiếp theo, Joshua mạnh dạn mang sản phẩm đi tham dư hội chợ Organic Famers’ Market tại TP HCM. Sau đó, Công ty Coffee Real Speliality Coffee Roaster đã tìm đến nhà của Joshua ở thôn Bnơr ‘C để khảo sát quy trình sản xuất và quyết định đặt mua 20 tấn mỗi năm.
Tuy rất vui, nhưng do quy mô sản xuất nhỏ, làm thủ công và không có vốn nên vợ chồng Joshua và Cơ Liêng Rolan đã từ chối hợp đồng này để tiếp tục hoàn thiện hơn nữa K’Ho Coffee và họ chỉ mơ ước nhắm tới phục vụ tại chỗ. Joshua thổ lộ, anh nuôi hoài bão lập nên một thương hiệu cà phê ở Việt Nam thân thiện môi trường thông qua biện pháp canh tác hữu cơ và tự nhiên như cách làm của người K’Ho nơi đây. Anh dự tính, nếu kiên trì với cách làm này và bán cà phê đã chế biến ngay tại chân núi Lang Biang, nơi mỗi năm có hàng trăm nghìn khách du lịch tìm tới, mức giá của mỗi kg cà phê sạch phải đạt 500.000 đồng.
Ý tưởng của Joshua đang thành hiện thực khi hiện nay vợ chồng anh đang nhận thu mua cà phê tươi của các hộ gia đình trong buôn làng và mỗi ngày rang 5-10 kg cà phê thành phẩm nguyên hạt để phục vụ khách ghé thăm. Hỏi về dự định mở rộng quy mô sản xuất, Cơ Liêng Rolan thật thà cho biết: "Chưa dám nghĩ tới và vợ chồng em lấy đâu ra tiền để mua máy móc, làm đủ sống và có niềm vui là hạnh phúc rồi".
Quốc Dũng