Hủy
Ý tưởng mới Thứ hai, 1/2/2021, 17:23 (GMT+7)

Chuỗi cửa hàng không thu ngân tại Nhật Bản

Startup về giải pháp mua sắm không cần thu ngân chuẩn bị triển khai mô hình lên 152 cửa hàng tại Nhật Bản và mở rộng sang châu Âu.

Đất nước Nhật Bản có hơn 55.000 cửa hàng tiện lợi và 8.000 siêu thị phục vụ cho 127 triệu người, là thị trường bán lẻ lớn thứ hai trên thế giới. Với 600 tỷ USD doanh thu từ siêu thị, thành phố là nơi thử nghiệm hoàn hảo cho việc thanh toán tự động. Đây cũng là phân khúc mà startup Imagr của New Zealand tìm thấy cơ hội khai phá.

Xe đẩy có camera AI

Imagr đã có vòng gọi vốn pre-series A trị giá 9,5 triệu USD gần đây, dẫn đầu bởi Toshiba. Mới nhất, nhà cung cấp giải pháp mua sắm không cần thu ngân vừa ký tiếp với H2O Retailing Corporation (tập đoàn mẹ của cửa hàng bách hóa Hankyu và siêu thị Oasis), tiến hành thử nghiệm mô hình này tại cửa hàng rộng 900 m2 trước khi triển khai trên toàn bộ 152 cửa hàng. Imagr cũng đang chuẩn bị mở rộng sang châu Âu trong những tuần tới.

Nhật Bản từ lâu đã phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt lao động do dân số già. Có thời điểm, chuỗi cửa hàng tiện lợi Lawson của Nhật Bản thậm chí đã phát triển một kế hoạch "siêu tuyển dụng" chưa từng có, tuyển bất kỳ ai có thời gian rảnh để làm thu ngân, kể cả những người đang đi ngoài đường. Do đó, theo Forbes, thanh toán tự động là giải pháp cho vấn đề này.

Giải pháp mua sắm không thu ngân đang triển khai tại một cửa hàng tạp hóa ở Osaka, Nhật Bản. Ảnh: Imagr.

Giải pháp mua sắm không thu ngân đang triển khai tại một cửa hàng tạp hóa ở Osaka, Nhật Bản. Ảnh: Imagr.

Không giống như mô hình Amazon Go hay xe đẩy Dash và Caper mới phát triển, xe đẩy thông minh Halo độc quyền của Imagr có dạng giỏ kéo trong siêu thị, mẫu xe đẩy lớn hơn đang tiến hành sản xuất. Xe đẩy này có một cụm camera và đèn chiếu sáng xung quanh vành giỏ. Camera sẽ phát hiện sản phẩm bằng cách sử dụng thị giác máy tính (computer vision) và trí tuệ nhân tạo (AI), giỏ sẽ tự động ghi nhận các mặt hàng.

Trong khi các nhà bán lẻ khác chọn sử dụng nhiều gói phần cứng với máy ảnh và cảm biến, thì Imagr chỉ yêu cầu một trạm sạc, máy chủ cỡ máy tính để bàn và một trung tâm hình ảnh. Công ty có thể quản lý, triển khai và mở rộng giải pháp của họ từ xa trong suốt Covid-19. Vì thế, một công ty ở New Zealand vẫn có mặt ở Nhật Bản trong tình hình dịch bệnh.

Người mua hàng phải tải xuống ứng dụng trước, theo đó nhân viên cũng có ứng dụng hoạt động để quản lý giỏ hàng và theo dõi việc mua sắm của khách. Thông thường, giỏ hàng của các nhà bán lẻ khác có cài đặt thêm màn hình cảm ứng nhưng Imagr đã chọn cách không tạo ra trải nghiệm thân thiện với người dùng nhưng lại giảm chi phí trong quá trình sản xuất.

Startup tạo cửa hàng không thu ngân tại Nhật Bản
 
 

Giỏ hàng độc quyền của Imagr. Nguồn: Imagr.

Xe đẩy không trang bị màn hình sẽ có khuyết điểm là người tiêu dùng có thể do dự khi cần phải tải xuống một ứng dụng riêng biệt. Nhưng với các xe đẩy có màn hình, nhà bán lẻ cũng có thể tận dụng màn hình như một nơi phát quảng cáo kiếm tiền.

Mỗi sản phẩm được thêm vào và xóa khỏi giỏ hàng trong quá trình mua sắm được ghi vào một file có kích thước tương đương với một email, do đó độ trễ thấp. Tình trạng bên trong giỏ hàng đồng bộ với điện thoại của khách mua gần như ngay lập tức.

Rào cản dùng tiền mặt ở Nhật

Cửa hàng không nhân viên thông thường, mỗi khi muốn triển khai phải đóng cửa hoàn toàn để bố trí lại và thiết lập, hệ thống máy chủ cũng cần công suất xử lý khổng lồ để theo dõi mọi chuyển động bằng cách sử dụng các camera và cảm biến lắp đặt khắp nơi. Tuy nhiên, giải pháp plug-and-play của Imagr cung cấp một ứng dụng nhãn trắng (ứng dụng cho phép các doanh nghiệp thay đổi thương hiệu) và chỉ trong vòng một tuần đã triển khai xong, bao gồm cả thời gian tạo hơn 20.000 đơn vị lưu kho (SKU) đưa vào mô hình có thể xử lý qua trạm hình ảnh (imaging station). Các nhà bán lẻ cũng có một trạm hình ảnh mô-đun để nhân viên quét các sản phẩm mới, sau đó áp dụng lên nhiều cửa hàng cùng lúc.

Khách hàng đang theo dõi giỏi hàng của mình qua ứng dụng. Ảnh: Imagr.

Khách hàng đang theo dõi giỏi hàng của mình qua ứng dụng. Ảnh: Imagr.

Tuy nhiên, Imagr vẫn cần phải vượt qua rào cản về việc Nhật Bản là một nước đi sau về công nghệ, trái ngược với suy nghĩ của nhiều người. Vào năm 2019, tiền mặt chiếm 73,3% tổng thanh toán của nước này, theo báo cáo của GlobalData. Phải đến mùa hè năm ngoái, hệ thống cửa hàng tiện lợi 7-Eleven của Nhật Bản mới mở cửa cho thanh toán không tiếp xúc. Người ta dự đoán rằng 1/4 dân số sẽ chuyển sang sử dụng thanh toán di động vào năm 2023, chính phủ nước này cũng đang tung các chính sách khuyến khích giảm giá qua hình thức trên.

Để giải quyết vấn đề này, Imagr đã thêm tính năng cho phép người tiêu dùng chuyển đơn hàng của họ đến hệ thống POS tại điểm thu ngân để thanh toán bằng tiền mặt.

"Chúng tôi đã cố ý thiết kế hệ thống của mình để không làm thay đổi bất kỳ điều gì trong hành vi mua sắm của khách hàng và nó sẽ không có gì đáng sợ khi áp dụng", William Chomley - Giám đốc điều hành Imagr giải thích.

Covid-19 đã đẩy nhanh nhiều kế hoạch chuyển đổi kỹ thuật số và thiết kế lại hành trình mua sắm mới, Imagr cũng đã tính đến lộ trình dễ hoạt động hơn để mở rộng quy mô.

Imagr đang phát triển công nghệ nhận diện sản phẩm bằng AI. Ảnh: Imagr.

Imagr đang phát triển công nghệ nhận diện sản phẩm bằng AI. Ảnh: Imagr.

"Trọng tâm trước mắt của chúng tôi là vào các thị trường có hành vi mua sắm diễn ra nhanh hơn." Chomley chia sẻ. Theo đó, startup này sẽ hướng tới các thị trường châu Á - Thái Bình Dương với các giỏ hàng có giá trị nhỏ hơn nhưng tần suất đến cửa hàng cao hơn.

Gánh nặng của các cửa hàng không nhân viên luôn liên quan đến chi phí thiết lập, mặc dù giải pháp này sẽ có lợi trong tương lai, giúp loại bỏ chi phí lao động trong cửa hàng. Việc triển khai cũng phụ thuộc nhiều vào hành vi của từng thị trường. Nhưng Forbes vẫn đánh giá, với xe đẩy trang bị công nghệ AI và tầm nhìn máy tính để phát hiện sản phẩm, mà không phải con người, đây có thể là cách khả thi nhất trong việc tạo ra cửa hàng không nhân viên trong tương lai.

Tất Đạt (theo Forbes)