Hoàng Hương Giang đang là tiếp viên trưởng của Vietnam Airlines. Nhưng niềm đam mê ẩm thực, mơ ước xây dựng một thương hiệu mang đậm nét truyền thống quê hương xứ Bắc luôn trỗi dậy trong cô.
18 tuổi bắt đầu tham gia vào các hành trình bay, Giang có cơ hội khám phá và thưởng thức ẩm thực của các nước trên thế giới. “Qua mỗi quốc gia, tôi nhận thấy điểm chung là họ đều có thương hiệu ẩm thực riêng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Cũng từ đó tôi nảy ra ý tưởng xây dựng thương hiệu mang đậm chất Việt”, Giang bộc bạch.
Mê món đậu hũ truyền thống nên cô quyết định chọn nó là nguyên liệu chủ đạo cho chuỗi ẩm thực mà mình ấp ủ. Đầu năm 2012, với số vốn tích lũy sau hơn 10 năm làm việc, Giang bỏ ra một tỷ đồng để mở quán bún đậu mắm tôm ở quận Tân Bình.
Tiên phong trong việc đưa bún đậu mắm tôm, ẩm thực miền Bắc vào Nam, Giang chọn cách thiết kế quán khác biệt. Nếu ở miền Bắc, các quán bún đậu sử dụng quạt để làm mát cho khách thì Giang lại chọn lắp đặt hệ thống máy lạnh và sử dụng bàn ghế gỗ cho quán. Những hoa văn họa tiết tinh tế về bún đậu được vẽ rất khéo léo trên tường.
Trong chế biến, Giang cùng các cộng sự đề cao và ưu tiên 3 tiêu chí: thực phẩm hằng ngày- tươi- tốt cho sức khỏe. Giang đã mời một số đầu bếp Bắc vào Nam, xây dựng xưởng chế biến đậu riêng. Còn rau, cô ký kết hợp đồng với các cơ sở trồng rau đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Bên cạnh đó, Giang còn cung cấp các dịch vụ tăng thêm cho khách bằng cách tổ chức các buổi nhạc hòa tấu vào tối thứ Bảy hàng tuần và phát bóng bay tạo hình cho trẻ em vào tối chủ Nhật. Nhờ thế, lượng khách đến với quán của Giang tăng từng ngày. Nếu ban đầu chỉ khoảng trăm khách thì nay đã tăng lên 500-700 khách một ngày, thậm chí những ngày cao điểm lên đến 1.000 khách. Đầu năm 2013, trào lưu kinh doanh bún đậu mắm tôm đã chững lại, nhưng quán của Giang vẫn không vắng khách. Trước đây quán chỉ có một tầng, nay được xây lên 3 tầng.
“Doanh thu của quán lớn, nhưng đây là mô hình kinh doanh bài bản và chi phí cao so với các mô hình bình dân, nên tỷ suất lợi nhuận duy trì ở mức 20%”, Giang bộc bạch.
Giữa năm 2014 Giang quyết định đầu tư tiếp 800 triệu đồng mở cửa hàng thứ hai trong cùng quận Tân Bình. Khác với bún đậu mắm tôm, đây lại là một quán chay, trong đó, đậu hũ tiếp tục là món chủ đạo.
“Ẩm thực không có giới hạn, mỗi một nguyên liệu mình có thể biến tấu ra nhiều món khác nhau, đậu hũ cũng vậy. Hiện nay, phân khúc khách hàng ăn chay không hề giảm mà ngày càng tăng mạnh, trong khi đó, thị trường cung cấp chưa đa dạng. Đó là lý do khiến tôi mở cửa hàng thứ 2”, Giang nói thêm.
Hiện nay đối tượng ăn chay không chỉ vì mục đích tôn giáo, niềm tin mà vì sức khỏe, cho nên cô quyết định thiết kế không gian quán theo phong cách đương đại. Theo Giang nếu quán thiết kế theo kiểu xưa, người trẻ sẽ ngại vào bởi không khí buồn bã. Còn hiện đại quá lại không hợp với những người ăn chay.
Dù mới mở được hơn một tháng, nhưng lượng khách cũng đạt bình quân 150 người một ngày. Riêng ngày rằm và mùng một lên tới 300-400 người. Giá mỗi món ăn dao động 25.000-70.000 đồng.
Chia sẻ về cách quản lý thời gian cũng như nhân lực, Giang tiết lộ, hai phần ba thời gian cô dành cho công việc đi bay, còn lại là dành cho quán.
“Tôi quản lý từ xa vì tôi chọn cách điều hành dựa trên giá trị của nhân viên", cô nói. Triết lý kinh doanh mà Giang luôn mang theo bên mình là câu nói: “Một chủ nhà hàng không nhất thiết phải biết giá cả của từng loại hàng hóa, nhưng phải biết giá trị của từng nhân viên”.
Chính vì sự tin tưởng ấy, cô tiếp viên hàng không chẳng bao giờ cảm thấy lo lắng mỗi khi phải thực hiện những chuyến bay quốc tế dài ngày. Cũng chính điều này giúp cô có thêm động lực để cho ra những quán ăn mới. "Thời gian tới, để chuỗi ẩm thực tiếp tục đi sâu vào tâm trí người Sài Gòn, tôi sẽ mở thêm 2 quán bún đậu và đồ chay tại trung tâm quận 1", Giang chia sẻ thêm.
Thi Hà