Hủy
Ý tưởng mới Chủ nhật, 14/6/2015, 11:13 (GMT+7)

Khấm khá nhờ nuôi ba ba ở miền Tây

Tại các tỉnh miền Tây, nhiều người thoát nghèo, doanh thu từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi ba ba. Nghề này được mệnh danh là một vốn bốn lời vì chi phí đầu vào thấp, đầu ra ổn định và tăng đều.

Ba ba dễ nuôi, nhẹ chi phí, giá cả ổn định và thuận lợi về đầu ra nên được nhiều hộ dân chọn khởi nghiệp. Với số vốn ít ỏi vài chục triệu đồng đầu tư ban đầu, chỉ sau vài năm nuôi ba ba, nhiều hộ gia đình từ diện nghèo, cận nghèo đã được thoát nghèo. Khá hơn có người đạt mức thu nhập hàng trăm triệu đồng, cá biệt có hộ lên đến hơn một tỷ đồng mỗi năm.

Là hộ tiêu biểu ăn nên làm ra từ nghề nuôi ba ba với số vốn khởi nghiệp ít ỏi, ông Đinh Công Phít ngụ xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành, Hậu Giang có nguồn thu nhập nửa tỷ đồng một năm.

Ông Phít chia sẻ, từ năm 2000, nhận thấy nhu cầu tiêu thụ ba ba của nhà hàng, quán ăn rất lớn, tuy nhiên, nguồn ba ba trong tự nhiên ít, kích cỡ nhỏ không đáp ứng được nhu cầu. Từ đó ông nghĩ đến việc nuôi để bán, nhưng đến năm 2002 mới thực hiện được.

Ban đầu, gia đình ông Phít gom toàn bộ vốn liếng tích góp hàng chục năm trời chỉ được 10 triệu đầu tư nuôi quy mô nhỏ. Ao nuôi được xây dựng có chiều rộng 400 m2 và thả nuôi 500 con, sau 1,5 năm ông tuyển ba ba đực ra bán thịt còn ba ba cái để nuôi sinh sản, trừ chi phí lãi 50 triệu đồng.

Từ đó ông Phít mở rộng thêm 2 ao nuôi với diện tích 400 m2 và 200 m2, thả nuôi 3.000 ba ba đẻ, 3.000 ba ba ba giống. Đến nay, mỗi năm, ông Phít thu hoạch khoảng 1,5 tấn ba ba thương phẩm. Ông cung ứng cho người nuôi ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long với vài chục nghìn ba ba giống và trứng đem về nguồn lợi nhuận nửa tỷ đồng/năm.

a-tb-nuoi-ba-ba-thoat-ngheo-8750-1434252

Nhiều hộ ở miền Tây thoát nghèo, thậm chí vươn lên khá, giàu nhờ nghề nuôi ba ba. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam

Trong khi đó, anh Phan Văn Truyền ngụ ấp Láng Hầm B, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) cũng từ hai bàn tay trắng khấm khá lên nhờ nghề này. Năm 2009 anh Truyền tham quan mô hình nuôi ba ba của Hợp tác xã (HTX) ba ba Thạnh Lợi. Dù rất muốn đầu tư song anh không có vốn. Thấy vậy, các thành viên trong HTX đã hỗ trợ cho vay 30 triệu đồng để anh Truyền tập tành nuôi ba ba.

Xuất thân là người làm thuê, những ngày đầu học nghề, vợ chồng anh Truyền dùng số vốn của HTX cho vay để mua đất, đào ao và thả 500 con ba ba giống. Sau 2 năm đàn ba ba đạt kích cỡ thu hoạch bán cho lợi nhuận 80 triệu đồng. Từ nguồn lợi nhuận ban đầu, anh Truyền quyết định tăng số lượng ba ba lên 1.000 con. Để tránh thất thoát, anh dừng tôn xung quanh ao và đặt bọng để đưa nước lưu thông theo thủy triều.

Đến nay mô hình nuôi ba ba được anh nuôi theo hình thức sinh sản với số lượng 300 con giống/ngày được bán với giá 1.500 - 2.000 đồng một con, trừ hết chi phí lãi 9 triệu đồng tháng. Nhờ vậy năm 2012 gia đình anh Truyền được công nhận thoát nghèo. Từ việc nuôi ba ba mà anh có điều kiện sang thêm đất, sắm xe và xây căn nhà trên 150 triệu đồng.

Giám đốc HTX ba ba Thạnh Lợi, ông Đinh Công Thủ có nguồn lợi nhuận trên một tỷ đồng từ việc nuôi 10.000 ba ba tiết lộ: “Nuôi ba ba rất nhẹ vốn đầu tư. Đối với chi phí 1.000 ba ba giống, đào ao, thức ăn… khoảng 50 triệu đồng".

Năm 2009, 11 xã viên của HTX thả nuôi 5.000 ba ba nay đã tăng trên 60.000 con. Sau 3 năm tham gia SX, HTX có 3 xã viên đã thoát nghèo còn những xã viên khác vươn lên khá giàu.

Theo Nông nghiệp Việt Nam