Hủy
Ý tưởng mới Thứ hai, 22/6/2020, 08:10 (GMT+7)

Loship tham gia thị trường bán buôn

Startup tận dụng lợi thế là một trong những đơn vị giao vận công nghệ đầu tiên khai thác thị trường bán buôn. 

Loship, một startup Việt hoạt động trong lĩnh vực giao nhận và thương mại điện tử bắt đầu tham gia thị trường bán buôn với dịch vụ Lo-supply. Với dịch vụ mới này, Loship tích hợp vào chuỗi phân phối bán buôn ở giai đoạn nguyên liệu thô, mang hàng hóa từ nhà sản xuất đến các nhà hàng và bỏ qua các khâu trung gian. Đây được xem là một trong số startup giao nhận tại Việt Nam tiên phong lĩnh vực bán buôn.

Lo-supply cũng tập trung giải quyết nhu cầu của các đối tác thương mại của Loship, như mua các sản phẩm và thành phần đã đóng gói với khối lượng nhỏ với mức giá bán buôn. Khi thị trường giao nhận đồ ăn đang tăng theo cấp số nhân, kéo theo số lượng nhà bán lẻ tham gia vào các nền tảng giao hàng trực tuyến. Nhu cầu đóng gói thực phẩm và mua sắm nguyên liệu cũng tăng cao. Với 190.000 đối tác thương mại, triển vọng tăng trưởng Lo-supply là rất lớn. 

Một tài xế của Lo-supply. 

Một tài xế của Lo-supply. 

Kể từ khi ra mắt vào cuối năm 2019, nền tảng này đã hợp tác với hơn 50 nhà sản xuất, cung cấp ít nhất 100 danh mục sản phẩm, bao gồm cốc nhựa, thìa, đũa, hộp xốp và nhiều loại khác. Bằng cách nhập trực tiếp từ các nhà sản xuất và cắt giảm tất cả các khâu trung gian, Lo-supply mang tới mức giá cạnh tranh trên thị trường. 

Các thương nhân nhỏ có thể mua sắm vật tư với số lượng ít với giá tốt. Không giống các nhà cung cấp truyền thống, giao hàng vào ngày hôm sau hoặc nhiều ngày, Lo-supply sẽ giao hàng trong một giờ nhờ đội giao vận 50.000 tài xế.

"Hoạt động trong ngành phân phối thực phẩm, chúng tôi hiểu những khó khăn của các nhà bán lẻ trong việc quản lý nguồn cung riêng, cũng như lo lắng không đạt được thỏa thuận tốt khi mua số lượng nhỏ. Bằng cách phát triển Lo-supply, chúng tôi mong muốn tận dụng công nghệ và đội ngũ giao hàng để làm cho giải quyết nhu cầu của các nhà bán lẻ, cung cấp các lựa chọn giao hàng và giá cả tốt hơn", đồng sáng lập và CEO Loship, Nguyễn Hoàng Trung chia sẻ. 

Một số đơn vị quốc tế hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử B2B là Udaan của Ấn Độ và Ralali của Indonesia. Tuy nhiên, họ có nhiều "chợ" B2B tập hợp tất cả bên liên quan trên một nền tảng tập trung, có thể là nhà bán buôn, nhà phân phối, nhà cung cấp và người bán lẻ. 

Trong khi đó, Loship có cách tiếp cận chiến lược khác biệt hơn khi tập hợp mọi liên kết của một chuỗi cung cấp nguyên liệu đến một điểm duy nhất. Lo-supply sẽ là đầu mối phân phối hàng hóa cho toàn bộ hệ thống thương mại trên Loship thông qua nhà kho và hệ thống lái xe sẵn có. Mô hình kinh doanh này đòi hỏi nhiều chợ trực tuyến, nhưng cũng có mạng lưới nhà kho và vận chuyển với mật độ đủ để hỗ trợ nhu cầu phân phối và thực hiện đơn hàng.

"Chúng tôi không nghĩ  mô hình kinh doanh bán buôn này có thể được triển khai bởi những đơn vị khác ngày một ngày hai. Bởi họ cần thời gian để xây dựng mạng lưới hậu cần vận chuyển và kho bãi", đồng sáng lập Loship cho hay. 

Tương lai của Lo-supply

Lo-supply là một bước đi táo bạo song cũng là chiến lược của Loship khi hướng tới mục tiêu lợi nhuận. Năm 2019, Lo-supply chiếm 30% lợi nhuận ròng của Loship và đang tăng trưởng 100% theo tháng. Nền tảng này hiện phục vụ hơn 1.000 thương nhân tại TP HCM, với hàng nghìn nhà lẻ khác. 

Lo-supply dự định tăng cường mạng lưới logistics và kho bãi trong các địa phương khác, đảm bảo giao hàng trong một giờ không chỉ ở các thành phố lớn mà cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, nền tảng cam kết mở rộng các dòng sản phẩm để mang tới cho các đối tác thương mại nhiều lựa chọn hơn.  Loship cũng xem Lo-supply là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh.

CEO Loship Nguyễn Hoàng Trung tại nhà kho đầu tiên của nền tảng này.

CEO Loship Nguyễn Hoàng Trung tại nhà kho đầu tiên của nền tảng này.

"Mô hình của chúng tôi không phải B2B, mà là B2C và C2C, với mục tiêu là khách hàng. Tất cả những gì chúng tôi muốn là khiến cho các thương nhân bớt gánh nặng khi tìm nguồn cung ứng nguyên liệu và nguyên liệu thô", CEO Loship nhấn mạnh đến tầm nhìn Lo-supply.

Theo đánh giá của Korea Tech Desk, lĩnh vực phân phối bán buôn Việt Nam rất tiềm năng mà ít doanh nghiệp thương mại điện tử nào từng khai thác. Những đơn vị chấp nhận bước vào cuộc chơi này sớm hơn có thể mang lại lợi thế đáng kể và thống trị thị trường trong nhiều năm tới.

Hoài Phong (Theo Korea Tech Desk)