Hủy
Ý tưởng mới Thứ năm, 8/9/2016, 08:55 (GMT+7)

Ông chủ 9x nhượng quán trà sữa để làm ứng dụng di động

Đang kinh doanh ổn định với nguồn thu 60 triệu đồng mỗi tháng, Phan Thành Đạt quyết định bán quán để đầu tư dự án công nghệ nhiều rủi ro.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành tài chính quốc tế Đại học Ngoại thương TP HCM, được nhiều công ty chào đón nhưng Phan Thành Đạt đều lắc đầu từ chối để theo đuổi đam mê khởi nghiệp đã “thai nghén” từ lâu.

Đầu năm 2015, Đạt gom toàn bộ số tiền tiết kiệm, thuê mặt bằng đối diện cổng trường đại học để mở quán cà phê sinh viên. Hơn 80 triệu đồng được ông chủ sinh năm 1992 đầu tư mua máy pha chế, nguyên liệu, lắp máy điều hòa và trang trí quán. Sau vài tháng hoạt động, Đạt chuyển hướng sang kinh doanh trà sữa vì nhận thấy đồ uống này thích hợp hơn cho đối tượng khách chủ yếu là sinh viên nữ, các hội nhóm và câu lạc bộ thường xuyên tổ chức họp mặt. Thời điểm cách đây một năm, quán trà sữa của Đạt là nơi duy nhất trong khu vực này có không gian rộng rãi, trang bị máy điều hòa nên rất hút khách và mang lại doanh thu hơn 60 triệu đồng mỗi tháng.

ong-chu-9x-nhuong-quan-tra-sua-de-do-tien-vao-ung-dung-di-dong

Phan Thành Đạt nhận học bổng “Lãnh đạo tài năng” trị giá 300 triệu đồng tại Ngày hội khởi nghiệp 2016.

Khi công việc kinh doanh vào guồng ổn định thì Đạt bất ngờ nhượng lại quán, thu hồi gần 100 triệu đồng để chuyển sang đầu tư vào giáo dục trực tuyến. Đạt chia sẻ, quyết định này khiến không ít bạn bè cho là điên rồ nhưng bản thân chưa bao giờ hối tiếc vì thấy được tiềm năng của dự án mới.  

Nắm bắt nhu cầu học trực tuyến ngày càng được ưa chuộng, nhưng sự tương tác giữa giáo viên và học sinh rất hạn chế nên Đạt kết hợp cùng một vài người bạn xây dựng ứng dụng hỗ trợ học tập trên di động.

“Trước đây khi còn làm gia sư, thỉnh thoảng có những bài tập khó không đủ thời gian hướng dẫn trực tiếp cho học sinh, tôi thường hẹn các em dùng công cụ tranh vẽ Doodle của Yahoo!Messenger để giải thích cặn kẽ hơn. Tôi và các thành viên trong nhóm nhận thấy hình thức tương tác này rất tiện ích, có thể phát triển thêm các tính năng mới để hoàn thiện thành ứng dụng riêng biệt”, Đạt chia sẻ về ý tưởng ra đời ứng dụng mang tên Alfazi.

Kể về những ngày đầu phát triển dự án, Đạt bộc bạch toàn bộ vốn liếng và tâm huyết của nhóm sáng lập dồn hết vào ứng dụng này nên mọi chi tiêu cá nhân đều được tiết kiệm tối đa. Căn phòng thuê trọ được trưng dụng làm trụ sở của công ty. Một thành viên kiêm nhiệm cùng lúc nhiều việc để cắt giảm chi phí thuê bên ngoài như lập trình, thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, quản lý tài chính, gia sư giải bài tập...

Khác với những website giảng bài trực tuyến, ứng dụng này vận hành thông qua tương tác bằng công cụ bảng trắng (whiteboard) để ghi chép bằng bút cảm ứng, cuộc gọi thoại (voice chat) để giảng bài và tính phí bằng hình thức đo thời gian trực tuyến (realtime interation). Học sinh chụp ảnh đề bài, đăng lên ứng dụng kèm yêu cầu chi tiết và chọn gia sư hướng dẫn cách làm. Sau đó, nội dung trao đổi được ghi nhận thành hình ảnh như một bài giải hoàn chỉnh. Ứng dụng đang hướng đến đối tượng học sinh yêu thích các môn khoa học tự nhiên và ngoại ngữ, đặc biệt là nhóm đang trong giai đoạn chuyển cấp và ôn thi đại học.

Ứng dụng tính phí theo thời gian giảng bài trực tuyến bằng hình thức nạp tiền từ thẻ điện thoại vào tài khoản cá nhân, mức phí là 50.000 đồng mỗi giờ trao đổi với gia sư. Đạt cho biết, ban đầu mỗi tài khoản được tặng 10.000 đồng để trải nghiệm và tín hiệu đáng mừng là tỉ lệ người dùng thử nạp tiền để sử dụng tiếp tục khá cao.

Sau hai tháng ra mắt, ứng dụng giải bài trực tuyến Alfazi sở hữu hơn 5.000 lượt tải và 1.000 khách sử dụng thường xuyên. “Con số này có thể cao hơn vì theo lộ trình phát triển của nhóm thì ứng dụng sẽ đến với người dùng vào đầu tháng 5/2016 để đón đầu nhu cầu ôn luyện cho kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Tuy nhiên, một số lỗi khi kiểm tra buộc nhóm phải gỡ ứng dụng và trì hoãn ngày ra mắt”, Đạt kể về sự cố đầu tiên khi phát triển ứng dụng.

Chia sẻ về định hướng phát triển trong thời gian tới, chàng giám đốc 9x cho biết ngoài việc củng cố ưu điểm nổi bật là giải nhanh và tương tác cao thì ứng dụng sẽ được phát triển thêm các tính năng mới như: “hỏi hẹn – đáp sau” (để người dùng không cần phải trực tuyến cùng lúc với gia sư mà vẫn xem được bài giảng), ôn luyện chuyên đề, lưu video bài giảng…

“Khởi nghiệp luôn đầy rủi ro và thách thức, điều này càng đúng hơn với những dự án công nghệ. Hiện Alfazi vẫn trong quá trình tiếp tục hoàn thiện về công nghệ nhưng có dấu hiệu đuối vốn do chi phí đầu tư cao mà doanh thu chưa như kỳ vọng. Song, sản phẩm nào cũng cần thời gian tiếp cận đối tượng người dùng tiềm năng, nên cả mình và các thành viên vẫn tin tưởng vào lộ trình phát triển đã đặt ra, đồng thời chuẩn bị gọi thêm vốn từ các quỹ khởi nghiệp”, chàng giám đốc trẻ tâm sự.

Phương Đông