Nằm trong góc trường Đại học Kỹ thuật Nanyang (Singapore) là một phòng thí nghiệm nhỏ nhắn, chỉ rộng khoảng 60 m2 có tên DeNova Sciences.
Tuy vậy, những người điều hành phòng thí nghiệm này lại đang ấp ủ giấc mơ lớn - loại bỏ các thí nghiệm trên động vật trong ngành công nghiệp mỹ phẩm bằng cách tạo ra da nhân tạo thích hợp cho các thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt.
Da nhân tạo được làm từ kerantinocytes- loại tế bào chiếm phần lớn trong lớp biểu bì (lớp ngoài cùng) của da hoặc từ các tế bào tạo ra keratin- thành phần chính có trong tóc, móng và da. Da nhân tạo còn được nuôi cấy từ các mô liên kết và collagen. Các loại da đầu tiên mà startup này tạo ra là "da bình thường" và "da khô" để dành cho việc kiểm tra các sản phẩm dưỡng ẩm.
"Các tấm da nhân tạo trông thật thú vị với lớp biểu bì phân tầng giống như da bị phồng rộp. Thật ngạc nhiên khi thấy các tế bào bắt đầu liên kết và tạo thành một tấm da người trông như thật. Công việc phát triển lớp da nhân tạo có cách thức hoạt động như da thật rất khó khăn. Phần nan giải nhất là sản xuất lớp da có đáp ứng miễn dịch", đại diện startup cho biết.
Tính đến thời điểm này, DeNova đã chế tạo thành công 5 bộ da gồm da màu, da khô, da bình thường, da ung thư và da béo. Theo startup này, sản phẩm của họ có thị trường lớn trong lĩnh vực mỹ phẩm và ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe cá nhân. Các khách hàng chính của DeNova bao gồm những tập đoàn đa quốc gia, viện nghiên cứu, công ty công nghiệp đòi hỏi phải thử nghiệm các sản phẩm liên quan đến da cũng như các viện của chính phủ trong và ngoài nước.
Hiện tại, hơn 100 công ty mỹ phẩm trên thế giới vẫn đang thử nghiệm các sản phẩm của hãng trên động vật, theo một thống kê chưa đầy đủ của Tổ chức Bảo vệ động vật (PETA).
"Việc sử dụng da nhân tạo trong ngành công nghiệp mỹ phẩm là một tiến bộ lớn để điều hòa những vấn đề về quyền đồng vật và đạo đức con người", Daniel Tan, nhà đồng sáng lập DeNova cho biết trên TechinAsia.
Các công ty công nghệ sâu được thành lập trên một khám phá khoa học hoặc đổi mới kỹ thuật có ý nghĩa. "Chúng thường được xây dựng dựa trên các sáng kiến hữu hình để giải quyết những vấn đề lớn, ảnh hưởng đến thế giới xung quanh", Swati Chaturvedi, người sáng lập và CEO của Propel(x) - một công ty đầu tư ở San Francisco cho biết.
Công nghệ độc quyền của DeNova trong việc chế tạo ra các lớp da nhân tạo là công nghệ cao vì sở hữu trí tuệ cốt lõi cho phát minh này không dễ dàng để nhân rộng được. Những người khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sâu được đánh đồng với những nhà sáng lập nhiều tiền. Đại diện của DeNova từng phát biểu:"Các startup công nghệ cao thường xuyên phải vật lộn để tìm nguồn tài trợ ban đầu vì bản chất phức tạp của sản phẩm, ý tưởng và mô hình kinh doanh".
Được thành lập từ năm 2012, công ty tự hoạt động dựa trên số tiền 190.000 USD góp vốn ban đầu từ những nhà sáng lập. Năm 2014, startup DeNova rơi vào cảnh phá sản.
Startup này sau đó cần nhiều sự giúp đỡ dưới hình thức những khoản vay, trợ cấp khác nhau từ các nhà đầu tư và chính phủ Singapore. Sự hỗ trợ này cho phép DeNova trả tiền thuê phòng thí nghiệm, tập trung nguồn lực để duy trì các dự án đang triển khai.
"Phần khó nhất là mua được tất cả các thiết bị để vận hành phóng thí nghiệm. Các thiết bị khoa học, sinh học không hề rẻ, có thể tốn đến hàng trăm nghìn đôla cho mỗi món", nhà đồng sáng lập DeNova cho biết.
DeNova không đơn độc trong cuộc chiến bảo vệ quyền động vật. Đấu tranh xóa bỏ thử nghiệm mỹ phẩm lên động vật đã được cụ thể hóa ở các chính sách từ nhiều quốc gia, khu vực như Liên minh châu Âu, Israel, Na Uy và Ấn Độ. Startup này đang lên kế hoạch mở rộng cả ở mảng kinh doanh, khoa học và địa lý sang các thị trường châu Âu, Trung Quốc và Indonesia.
Phương Nguyên