Hủy
Ý tưởng mới Thứ bảy, 27/10/2018, 00:00 (GMT+7)

Startup Việt tham vọng số hóa ngành y tế

Với tính năng tư vấn, đặt lịch khám từ xa, lưu hồ sơ y bạ…ứng dụng EHRs được kỳ vọng là một giải pháp thông minh cho ngành y tế.

Trong một hội nghị về y tế năm 2017, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu 9 hạn chế của ngành y. Trong đó, tình trạng quá tải bệnh viện, sai sót y khoa, bất cập trong thủ tục hành chính và quản trị...được chỉ ra như những vấn đề nổi cộm, nhiều năm dai dẳng.

Công suất sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện công ở mức 90 – 110% là con số đáng chú ý theo một báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế vào năm 2014. Tình trạng quá tải, người xếp hàng dài chờ thăm khám, bệnh nhân nằm ghép 2-3 người một giường, người nhà thậm chí phải tận dụng gầm giường để có chỗ nghỉ là vấn đề nhức nhối tại nhiều bệnh viện, đặc biệt là các đơn vị tuyến trên.

Những năm gần đây, nhiều biện pháp đã được đưa ra nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ ngành y tế. Trong đó, số hóa ngành y được coi là giải pháp then chốt. 

''Ngành y tế đang phải đối mặt với thách thức kép, đó là vừa phải cải thiện dịch vụ, vừa phải giảm chi phí và tối ưu hoá  tài nguyên. Ở những nơi mà ngân sách dành cho y tế còn hạn chế thì cần phải tìm ra một giải pháp hiệu quả nhất. Trong cuộc cách mạng 4.0, số hóa y tế là một xu hướng tất yếu. Với tỷ lệ hơn 70% người sử dụng smartphone hiện nay, Việt Nam là thị trường tiềm năng để triển khai hệ thống y tế thông minh'', ông Đinh Văn Thuần, CEO Công ty khẳng định.

Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ số 1 Việt Nam là một trong những đơn vị triển khai phần mềm về y tế thông minh EHRs. ''Nếu áp dụng hệ thống này, các cơ sở y tế có thể tiết kiệm ít nhất tới 20% nguồn lực và tăng lên 25% hiệu quả cung cấp dịch vụ cho người dân'', vị CEO này cho biết, đồng thời khẳng định những bất cập do quy trình khám, chữa bệnh truyền thống sẽ được giải quyết khi ứng dụng y tế thông minh.

Giao diện sử dụng của ứng dụng EHRs.

Giao diện sử dụng của ứng dụng EHRs.

Ứng dụng EHRs được mô tả như một phòng khám trên tay. Người dùng có thể kết nối trực tuyến với bác sĩ, chuyên gia từ xa để đặt câu hỏi và nghe tư vấn qua video theo thời gian thực. Ứng dụng còn lưu trữ các thông tin y tế, cẩm nang sức khỏe, cho phép bệnh nhân tra cứu mọi lúc, mọi nơi. Thậm chí, khi có nhu cầu khám chữa bệnh tại bệnh viện, người dùng còn được tư vấn địa chỉ, thời gian khám phù hợp để tránh tình trạng chờ đợi. Nhờ đó, thời gian và chi phí ăn ở, đi lại được giảm thiểu, đồng thời giải quyết được tình trạng quá tải tại nhiều bệnh viện.

Tính ''số hóa'' của EHRs còn được thể hiện trong kho dữ liệu lưu trữ thông tin sức khoẻ của người dân, hay nói cách khác là ''y bạ điện tử''. Tất cả các thông tin về tình trạng sức khỏe và quá trình điều trị của người bệnh sẽ được lưu lại. Thay vì mất thời gian khám, xét nghiệm, các bác sĩ có thể chẩn đoán nhanh chóng dựa trên nền tảng dữ liệu về bệnh nhân đã có như tiền sử bệnh tật, lịch sử tiêm chủng, các kết quả khám chữa bệnh gần đây... 

Đối với bác sĩ và các đơn vị bệnh viện, phòng khám, hệ thống EHRs giúp các bác sĩ kiểm soát lịch làm việc của mình, duyệt các văn bản hay lập bệnh án qua smartphone, từ đó tối ưu năng suất làm việc và tạo thành một hệ thống dễ quản lý.

CEO Đinh Văn Thuần cho biết, để tạo nên hệ sinh thái khép kín, kết nối giữa người bệnh - bác sĩ - phòng khám, bệnh viện, EHRs tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo và Big Data. Với kho dữ liệu lớn, hệ thống có thể phân tích và đưa ra các gợi ý tự động, như chẩn đoán bệnh, cảnh báo nơi có dịch bệnh, khả năng bùng phát dịch cho bác sĩ... Theo thông tin từ nhà sáng lập, EHRs còn tích hợp công nghệ blockchain nhằm kiểm soát thông tin hồ sơ y bạ, đảm bảo tính an toàn, minh bạch khi truy cập, chống giả mạo hoặc mất cắp dữ liệu.

CEO EHRs tiết lộ, ứng dụng sẽ chính thức đi vào hoạt động trong thời gian sắp tới, với dự án xây dựng trung tâm dữ liệu y tế cho một tỉnh phía Nam có quy mô dân số khoảng 1,5 triệu người.

Vị CEO cũng bày tỏ tham vọng về một bệnh viện, phòng khám không giấy tờ trong tương lai. Trong bối cảnh ngành y tế đang xây dựng đề án phát triển y tế thông minh giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030, nhà sáng lập đặt mục tiêu EHRs sẽ góp phần tạo nên bước ngoặt lớn trong ngành y tế.

Phạm Vân