Tọa lạc trên một con hẻm ngoằn ngoèo ở đường Lê Văn Khương, quận 12, TP HCM là một ngôi nhà hai tầng chứa đầy đồ tái chế, trên tường treo nhiều bằng khen, kỷ niệm chương cho chủ nhân được mệnh danh “người tái sinh rác thải”.
Sau hơn 22 năm tìm tòi, sáng tạo những mô hình tận dụng phế liệu từ rác, đến nay ông Tống Văn Thơm đã có hơn 2.000 mô hình, sản phẩm tái chế, ước tính trị giá khoảng một tỷ đồng.
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở Campuchia, ông Thơm không được học hành tử tế mà phải đi ở mướn từ nhỏ. Năm 12 tuổi, cha bị tai nạn nên gia cảnh càng khó khăn, ông Thơm với độc bộ quần áo không lành lặn sáng bưng bê hủ tíu thuê, tối về giữ con cho người ta. Ông phải mượn 300 đồng tiền Campuchia chạy chữa cho cha và bù lại phải ở đợ trong 3 năm. May mắn sau đó, ông Thơm được một người chủ khác trả nợ giúp, nhận về làm con nuôi, cho đi học nghề điện tử, cơ khí ở trường nghề. Năm 20 tuổi, ông làm quản lý cho xưởng của chủ.
Trong những năm 1970 biến cố ở Campuchia, gia đình ông chạy loạn sang Việt Nam, rồi di chuyển về Long Xuyên (An Giang). Kể từ đó ông rong ruổi khắp miền Tây làm đủ nghề kiếm sống.
Sau năm 1975, ông Thơm lên Sài Gòn làm việc trong một công xưởng sản xuất. Công việc lặn xuống nước vớt tàu khiến ông bị bệnh, phải nghỉ sớm về làm nghề vá xe đạp. Chính thời gian này ông Thơm quen vợ mình làm nghề lao công. Thấy mấy hộ dân trong hẻm không có ai lấy rác, ông tiên phong thành lập nên hệ thống thu gom rác dân lập (chỉ có ở TP HCM). Tính đến nay, ông Thơm đã gắn bó với nghề làm rác hơn 40 năm. Trước kia ông có riêng một đường rác nguyên khu chợ Hòa Bình, quận 5, sau này bán lại cho người khác. Nghề rác càng lúc càng khó sống, ông Thơm phải bán nhà ở chợ Hòa Bình, Hóc Môn để nuôi con ăn học. Bây giờ, con cái của ông có người đã học lên thạc sĩ với nghề nghiệp ổn định.
Năm 1998, khi thành phố phát động chương trình “Vì môi trường xanh sạch đẹp”, ông Thơm nảy ra ý tưởng thu nhặt đồ phế thải từ kho phế liệu, mua từ đồng nghiệp đem về tái chế. Từ những đầu đĩa bỏ đi, lon bia, hộp sữa, máy cassette… ông mày mò tìm cách “tái sinh” chúng thành những đồ vật độc đáo có tính ứng dụng cao.
Năm 2004, nghiệp đoàn rác TP HCM được thành lập với sự hỗ trợ của tổ chức Enda Việt Nam, ông Thơm được bầu làm Chủ tịch Nghiệp đoàn Rác dân lập quận 5, quản lý 15 phường với gần 170 nhân viên. Mỗi sáng, ông làm việc ở nghiệp đoàn, buổi chiều đi làm rác. Không như đồng nghiệp thu lượm ve chai khác, cứ tầm 3h chiều ông Thơm lại về nhà, tiếp tục công việc mày mò tái chế của mình.
"Một đường rác của tôi có 160 hộ, mỗi nhà thu 30.000 đồng một tháng thì chỉ kiếm được 4,8 triệu mỗi tháng. Chi cho xăng xe thì không còn lại bao nhiêu. Mấy người làm rác sống chính nhờ ve chai, nhưng thời gian gần đây ve chai rớt giá thê thảm, nên lại càng khó. Tôi may còn sống nổi là nhờ nghề tay trái, tháng cũng kiếm được 3-4 triệu đồng", ông Thơm chia sẻ
Công việc tay trái mà ông Thơm nói là bán những đồ tái chế nhỏ trị giá mấy trăm nghìn đồng do ông làm ra. Đa phần các món đồ này biết “hát”, phát nhạc nghe vui tai. Ngoài ra, hàng xóm có đồ điện tử gì hư hỏng lại đem qua cho ông sửa, mỗi lần trả công 50.000-100.000 đồng.
Trong hơn 2.000 món đồ tài chế của ông Thơm, có khoảng 1.000 sản phẩm có giá trị, được nhiều người hỏi mua với giá cao nhưng ông Thơm chưa bán. Trong số đó phần lớn là những đồ điện tử đời cũ như máy quay đĩa, máy chụp hình, cassette, radio, TV, âm li, máy chiếu... được ông làm “sống” lại. Đặc biệt trong số đó có nhiều món đồ rất giá trị như cây đàn xếp mà một người Pháp muốn mua 45 triệu đồng nhưng ông không bán; những cây đàn organ đời đầu tiên hơn 30 năm giá 20-30 triệu; bộ hươu cao cổ, nai làm bằng rễ cây được một Việt Kiều mua 600 USD; con rồng làm bằng rễ cây giá 17 triệu; bộ sưu tập tiền cổ các niên đại lượm lặt từ rác giá 5 triệu... cùng vô vàn đồ điện tử đời đầu của Nhật, Mỹ giá 4-5 triệu đồng một món.
“Nhiều 'cò' tới đây hỏi mua mà tôi không bán vì quá rành mặt họ ở chợ trời. Họ mua mấy đồ điện tử này rồi bán lại cho các đại gia, quán cà phê, khách sạn, nhà hàng... Nhiều người khác muốn trưng bày mấy đồ điện tử đời cũ như máy quay đĩa, radio, TV... cho độc, hoài cổ cũng tìm mua. Mấy sản phẩm của tôi được ưa thích vì không những lâu đời mà còn hoạt động được”, ông Thơm nói và cho biết đây là tài sản để dành khi gia đình có việc hữu sự.
Là người được mục sở thị và rất thích thú với cảnh ông Thơm tái chế rác thải, Tiến sĩ Ngô Huy Liêm (cố vấn của tổ chức Enda Việt Nam) nhận xét: “Tôi thấy ý tưởng của chú Thơm rất hay vì đã tạo ra những sản phẩm có giá trị muôn mặt: Tạo thu nhập cho nghề thu gom rác; góp phần lưu dấu thời gian trên mỗi đồ dùng tái chế; sáng tạo ra các sản phẩm hữu dụng tuy không to tát nhưng mang nhiều ý nghĩa... Đặc biệt, đây là những sản phẩm có một không hai chỉ do chú làm ra”.
Trần Bé