Hủy
Ý tưởng mới Chủ nhật, 31/8/2014, 14:06 (GMT+7)

Thu tiền tỷ từ nghề nuôi rắn

Sau 20 năm làm nghề, đến nay ông Vũ Mạnh Hùng đã có trong tay hơn 3.000 con rắn các loại. Có thời điểm được giá, khu chuồng trại hơn 400m2 mang về cho ông doanh thu hàng tỷ đồng.

Ông Vũ Mạnh Hùng, chủ Công ty rắn Vĩnh Sơn, từng học trung cấp Mỏ - Địa chất Hà Nội. Tốt nghiệp, ông về làm việc tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phú (cũ). Nhưng với thu nhập thấp, cuộc sống của gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Năm 1993, ông Hùng xin ra ngoài, tìm hướng làm giàu từ nghề nuôi rắn ông cha để lại, bởi khi đó đã có nhiều hộ gia đình trong xã chăn nuôi thành công.

Ban đầu, với số vốn ít ỏi vài ba triệu đồng, ông chỉ nuôi 8 con hổ mang chúa, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm và tìm kiếm cách nuôi mới để rắn sinh trưởng và phát triển tốt hơn. "Sau một năm, rắn đã cho thu hoạch hàng chục triệu đồng, tôi lấy số tiền đó tiếp tục đầu tư”, ông Hùng kể lại. Sau 20 năm, đến nay ông Hùng đã có trong tay hơn 3.000 con rắn các loại. Có thời điểm rắn được giá, từ hơn 400m2 chuồng trại sau nhà mỗi năm ông thu về hàng tỷ đồng.

nuoi-ran-VPIH-ashx-4089-1409465411.jpg

Ông Vũ Mạnh Hùng và các sản phẩm chế biến từ rắn.

Với số lượng rắn nuôi lớn, để chủ động thức ăn, ông Hùng đã đầu tư kho lạnh thu mua gà con từ trang trại nuôi gà lớn. Ông cho biết: “Muốn rắn lớn nhanh và sinh sản tốt, cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật từ khâu lựa chọn thức ăn đến cách chăm sóc, theo dõi bệnh. Nuôi rắn phải hiểu được đặc tính của từng loại thì mới biết cách phòng tránh và xử lý nếu bị rắn cắn. Chỉ sơ sẩy một chút, người nuôi có thể sẽ bị rắn cắn mang tật suốt đời, thậm chí không ít người đã phải trả giá bằng cả tính mạng. Vì một lần chủ quan, tôi đã bị rắn hổ mang cắn giờ bị tật ở một ngón tay”.

Năm 2006, ông Hùng quyết định thành lập Công Cổ phần dịch vụ và thương mại rắn Vĩnh Sơn chuyên thu mua, chế biến nhiều loại sản phẩm phục vụ nhu cầu của thị trường, mở rộng mô hình chăn nuôi.

Hiện nay, mỗi năm công ty xuất bán hàng tấn rắn hổ thương phẩm với mức giá 600 đến 700 nghìn đồng một kg, hàng chục nghìn quả trứng 100 đến 120 nghìn đồng mỗi quả trứng, cao rắn, mật rắn,… trừ chi phí mỗi năm thu về hơn 300 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho từ 6-9 lao động địa phương.

Trong những năm gần đây, làng nghề nuôi rắn truyền thống ở xã Vĩnh Tường đang gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ rắn không ổn định, giá rắn sụt giảm khiến nhiều người nuôi gặp phải cảnh nợ nần, bỏ nghề.

Ông Hùng là một trong ít những hộ dân nuôi rắn trong xã vẫn có thu nhập ổn định từ nghề nuôi rắn do nắm vững kỹ thuật chăn nuôi, có những mối đầu ra uy tín cho sản phẩm. Không những thế, ông còn mở dây chuyền chế biến các sản phẩm từ rắn cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.

Những kinh nghiệm quý báu đó đang được ông truyền lại cho nhiều hộ dân trong xã, cung cấp con giống, thu mua sản phẩm cho bà con trong vùng, động viên cùng nhau cố gắng tiếp tục bám trụ với nghề để phát triển kinh tế, xây dựng được thương hiệu riêng cho làng nghề rắn Vĩnh Sơn.

Chị Nguyễn Thị Lan là một trong những lao động trẻ tuổi chăm sóc rắn ở công ty ông Hùng chia sẻ: “Lớn lên ở vùng quê nuôi rắn hổ nên tôi không thấy sợ chúng. Tôi cũng như một số anh chị em làm việc ở đây, vừa để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống, vừa tích góp học tập kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi rắn”.

Chị Lan cũng cho biết, sau này, khi có vốn chị sẽ mở mô hình trang trại nuôi rắn để làm giàu và phát triển nghề truyền thống của quê hương”.

Theo Tiền Phong