Hủy
Góc chuyên gia Thứ ba, 18/2/2020, 16:22 (GMT+7)

Cách chọn đối tác khi khởi nghiệp

Thẳng thắn, cầu tiến, nổi loạn, tin vào mục tiêu chung của công ty... là những giá trị các lãnh đạo thành công tìm kiếm ở người đồng hành.

Một trong những yếu tố khiến startup thất bại không lâu sau khi khởi động là chọn nhầm cộng sự. Các chuyên gia nhận định, việc chọn sai người có nguy cơ phá vỡ sự cân bằng của tổ chức, thậm chí tệ hơn, ảnh hưởng đến năng suất và tinh thần toàn bộ nhóm. Dưới đây là tám đặc điểm cần thiết để xác định đúng "đồng đội" hoặc nhân viên khi cần tuyển dụng do các nữ lãnh đạo trẻ của Hội đồng Doanh nhân Trẻ (Young Entrepreneur Council - cộng đồng các doanh nhân thành công trước 40 tuổi) đúc kết.

Thẳng thắn

Theo Nathalie Lussier, nữ sáng lập AccessAlly - startup cung cấp nền tảng phát triển website giáo dục trực tuyến, cách hợp tác phụ thuộc vào cách chúng ta giao tiếp. Vì vậy cô luôn tìm kiếm những người sẵn sàng thực hành và cải thiện khả năng giao tiếp.

Nathalie Lussier, nữ sáng lập AccessAlly

Nathalie Lussier - nữ sáng lập AccessAlly.

Một cách hữu ích được cô áp dụng trong đào tạo nhân viên là khuyến khích họ thực hành theo các giải pháp của Radical Candor - quyển sách nổi tiếng của Kim Scott, cựu giám đốc điều hành của Google và Apple. Bằng cách thẳng thắn nêu quan điểm nhưng vẫn giữ sự quan tâm lẫn nhau, mọi người có thể gắn kết thành một đội và hoàn thành những việc cần làm.

"Đó không phải là kỹ năng hay tính cách chúng ta có thể học ở trường, nhưng việc sẵn sàng thực hành nó đã giúp một số người thành công", Nathalie Lusier chia sẻ.

Cầu tiến

Một quan hệ đối tác tốt được xây dựng trên khả năng học hỏi và phát triển cá nhân của mỗi bên. Katie Wagner, sáng lập KWSM - công ty tiếp thị trực tuyến cho biết, cô tìm kiếm những "đồng đội" nhận ra rằng mình không có câu trả lời cho tất cả câu hỏi và sẵn sàng cải thiện.

"Một số người có vị trí thường tin rằng họ biết mọi thứ liên quan đến vai trò của mình. Đây là những người không bao giờ có khả năng thấy các giải pháp sáng tạo cho khách hàng hoặc cách cải tiến quy trình nội bộ", nữ chủ tịch đánh giá.

Ngược lại, những người cầu tiến liên tục học hỏi và thúc đẩy tinh thần các thành viên khác. Điều này đặc biệt hữu ích khi môi trường thay đổi, khách hàng có nhu cầu mới hoặc doanh nghiệp mở rộng và phát triển.

Phù hợp giá trị cốt lõi

Madeleine Niebauer, sáng lập kiêm Tổng giám đốc vChief - đơn vị cung ứng dịch vụ quản lý doanh nghiệp cho các startup, công ty nhỏ, các tổ chức phi chính phủ... cho biết chỉ nên đồng hành cùng những người phù hợp với giá trị cốt lõi của công ty. Trong quá trình phỏng vấn, vChief sẽ đánh giá các ứng viên có phù hợp với các giá trị này không. Nếu thiếu một trong các giá trị hoặc bị nghi ngờ không phù hợp, ứng viên đó sẽ không được tuyển.

"Một thành viên thể hiện sâu sắc những giá trị này thường dễ thích nghi với văn hóa công ty và cũng chứng tỏ thành công cao trong công việc", Madeleine nói.

Tin vào mục tiêu chung

Mục tiêu chung được ví là "vì sao Bắc Đẩu" mà các thành viên trong nhóm đều hướng đến. Tại Klickly - nền tảng thanh toán và thúc đẩy mua sắm trực tuyến thông minh, những buổi trò chuyện cá nhân thường được tổ chức để đảm bảo rằng đích đến của mọi người đồng bộ với công ty.

Cooper Harris (trái) tham gia buổi phỏng vấn của chương trình Business Rockstar.

Cooper Harris (trái) tham gia buổi phỏng vấn của chương trình "Business Rockstar".

"Bạn sẽ sợ hãi nếu ngồi trên máy bay mà chính các phi công đang cầm lái không tin rằng nó có thể đến được nơi cần đến. Đừng thu nhận những tài năng mà không tin vào mục đích cuối cùng của nhóm", Cooper Harris - CEO Klickly chia sẻ.

Nổi loạn

Thường bị xem là bất trị, những người sở hữu tính cách nổi loạn có xu hướng chống lại mọi quy tắc cũng như cách thức thông thường để hoàn thành công việc. Nếu biết cách khai thác sức mạnh này, bạn sẽ sở hữu một đội rất sáng tạo. Đây cũng là lợi thế cạnh tranh đặc biệt của doanh nghiệp, vì không nhiều công ty dám thuê những người có đặc điểm này.

"Tài năng của họ sẽ tỏa sáng vào thời điểm xung đột hoặc cùng quẫn nhất", Sunny Bonnell, Sunny Bonneel, người đứng đầu Motto - công ty cung cấp dịch vụ lên ý tưởng và thiết kế thương hiệu có trụ sở tại thành phố New york cho biết.

Chấp nhận thay đổi

Thay đổi là điều không thể tránh khỏi và đổi mới là cần thiết cho sự phát triển của doanh nghiệp. Kỹ năng quan trọng của một đồng đội là phải chấp nhận và có tư duy nắm bắt sự thay đổi. Sau thời gian dài các yêu cầu và quy định của công ty được đặt lên hàng đầu, nếu không có người thay đổi, kế hoạch kinh doanh và tinh thần công ty có thể dễ dàng đình trệ.

"Các đồng đội có khả năng từ bỏ các quy trình đã thiết lập để ủng hộ những nỗ lực phát triển và cải thiện công ty thông qua kỹ thuật mới, là một trong những người quan trọng nhất bạn nên giữ lại", Darby Cox - người sáng lập Darby Cox LLC nhìn nhận.

Khả năng làm việc nhóm

Nhiều người mong muốn tìm kiếm những đồng đội làm việc chăm chỉ, kỷ luật và quyết tâm. Tuy nhiên, Klyn Elsbury - diễn giả và sáng lập MK Foundation đánh giá cao hơn với những người có khả năng giữ vững quan điểm và biết cách kết nối với người khác để thúc đẩy họ đi tới mục tiêu chung. Bằng cách xây dựng mối quan hệ chiến lược với mọi người, họ có cách sáng tạo để làm việc đỡ vất vả và thông minh hơn.

"Sự hiểu biết về mục tiêu vượt trội hơn làm việc chăm chỉ nhiều lần", Klyn Elsbury đúc kết.

Khả năng đào tạo

Laura Fortey - đồng sáng lập kiêm CMO của Công ty TNHH Công nghệ Reitium cho rằng, khả năng đào tạo là quan trọng nhất giữa các thành viên trong nhóm. Khi nhà tuyển dụng cố gắng hết mình cho việc huấn luyện nhân viên, mọi thứ sẽ cải thiện. Các kênh giao tiếp mở ra, sự chống đối ít lại và vì nhân viên hiểu rõ vị trí của mình nên tự tin hơn khi đưa ra các quyết định.

Người có khả năng đào tạo đã học cách bỏ qua cái tôi của mình. Họ nhận ra họ không luôn luôn đúng và không giả vờ biết mọi thứ. Do đó, họ sẵn sàng học hỏi, phát triển và mở rộng tầm nhìn.

"Khi có kiến thức, những người này có xu hướng đào tạo lại cho người khác, giúp họ tự tin đóng góp cho quá trình phát triển của doanh nghiệp", đại diện Reitium nói.

Lộc An