Masayoshi Son nói Softbank sẽ "chờ đợi và nghe ngóng" cho tới khi tình hình của các startup công nghệ Trung Quốc trở nên ổn định. Tuy nhiên, ông hy vọng khoảng thời gian này chỉ kéo dài từ một đến hai năm, bởi "vẫn có rất nhiều hy vọng đối với Trung Quốc". Thị trường tỷ dân là nơi Softbank có danh mục đầu tư lớn và hiện vẫn mang lại lợi nhuận khổng lồ.
Ở Trung Quốc, SoftBank đang là nhà đầu tư hàng đầu, nắm giữ 39% giá trị tài sản của công ty thương mại điện tử Alibaba. Các startup Trung Quốc đang chiếm tỷ trọng tới 23% trong danh mục đầu tư của SoftBank xét trên tiêu chí giá trị hợp lý (fair value). Tuy vậy, kể từ tháng 4, các khoản đầu tư mới của Softbank đổ về Trung Quốc chỉ còn 11%.
Nguyên nhân là vì vừa qua, đợt niêm yết của 7 công ty bao gồm công ty gọi xe Trung Quốc Didi và công ty vận chuyển Trung Quốc Full Truck Alliance dẫn tới khoản lãi chưa thực hiện của SoftBank trong quý II chạm mốc 5,8 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này đã gần như bị xoá sạch trong đợt thắt chặt của các nhà điều hành Trung Quốc.
Cổ phiếu của Didi đã giảm 1/3 kể từ thời điểm niêm yết trên sàn chứng khoản New York vào cuối tháng 6. Trong khi đó, cổ phiếu của Full Truck Alliance cũng giảm 37% kể từ đợt IPO vào ngày 23/6 cũng tại Mỹ. Zuoyebang, một startup giáo dục mà SoftBank đầu tư, cũng bị ảnh hưởng nặng nền vì những quy định mới của Trung Quốc đối với mảng gia sư.
SoftBank báo cáo sụt giảm 39% lợi nhuận ròng xuống còn ở mức 761,51 tỷ yên (6,9 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Ở thời điểm 1 năm trước, lợi nhuận của SoftBank được thúc đẩy nhờ thương vụ bán cổ phần T-Mobile (nhà mạng Mỹ) sau khi sáp nhập với Sprint. Kết quả kinh doanh của SoftBank trong quý II tốt hơn so với dự đoán của lỗ ròng 11,8 tỷ yên của giới phân tích, theo S&P Global Market Intelligence.
"Chúng tôi phải thận trọng cho tới khi có thể đánh giá toàn diện bức tranh thị trường và động thái từ nhà chức trách Trung Quốc. Hy vọng mọi thứ có thể trở lại đầu tư khi mọi thứ rõ ràng hơn", ông nhấn mạnh thêm.
Navneet Govil, Giám đốc tài chính của Vision Fund (SoftBank) chia sẻ, ông vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn của Trung Quốc. "Quan điểm đầu tư của chúng tôi với Trung Quốc không thay đổi. Vẫn sẽ có rất nhiều đổi mới diễn ra ở quốc gia này", ông này nói.
Masayoshi Son cũng vẽ ra một "định nghĩa" mới cho SoftBank. Ông cho rằng SoftBank nên được hiểu như "những nhà đầu tư tầm nhìn" và là một công ty "tạo ra những cuộc cách mạng". Bởi các khoảng đầu tư của SoftBank vào các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) chưa niêm yết chiếm khoảng 10% tổng vốn đầu tư mà nhóm công ty này kêu gọi được trên toàn thế giới từ năm 2017.
Một nhà đầu tư dài hạn vào SoftBank từng khuyến nghị rằng SoftBank nên có những định nghĩa rõ ràng hơn về công ty trong bối cảnh công ty dừng kinh doanh mảng chip đồng thời tách bạch mảng kinh doanh mạng di động của mình.
Quỹ Vision Fund II (40 tỷ USD) của SoftBank đang tăng tốc đầu tư trong quý II năm nay. Cụ thể, quỹ này đã đầu tư 14,2 tỷ USD vào 47 công ty khởi nghiệp.
Thành Dương (theo Financial Times)