Theo Nikkei, quỹ Vision thứ 2 của Softbank đã bắt đầu triển khai rót tiền đầu tư, mục tiêu mỗi ngày một startup. Thực tế, quỹ này đã lên kế hoạch rót tiền cho 129 công ty tính tới 18/6, với 34 mục tiêu mới trong giai đoạn một tháng trước đó.
Báo cáo từ phía Vision Fund 2 cho thấy, khoản tiền rót vào 85 công ty đã được đặt bút ký. Hội đồng đầu tư của quỹ đã chấp thuận 44 công ty. Vision Fund 2 kỳ vọng danh mục các công ty nhận đầu tư trong nửa đầu năm sẽ vượt qua con số 92 công ty của quỹ Vision Fund 1.
Tờ Crunchbase từng miêu tả cách đầu tư của Softbank là "hung hăng" và "điên rồ". Một khi xác định được mục tiêu, tập đoàn này ký kết ngay trong ngày, bỏ qua quá trình thẩm định dài dòng và thường đề xuất mức định giá cao hơn nhiều so với các thương vụ VC thông thường.
Từ cuối tháng 3 năm nay, Vision Fund 2 đã tăng các khoản đầu tư lên con số 40 tỷ USD. Còn Tập đoàn mẹ Softbank cũng đã bán một số tài sản và thu về lượng tiền mặt 50,6 tỷ USD, vượt mục tiêu 41 tỷ USD tuyên bố vào tháng 3/2020. Sau khi mua lại cổ phiếu và thanh toán các khoản nợ, Softbank đang có kế hoạch dành phần còn lại của số tiền để phân bổ vào 2 quỹ đầu tư.
Trong giới khởi nghiệp, Vision Fund 1 và 2 là những quỹ chống lưng cho kỳ lân định giá từ một tỷ USD trở lên, trong nhiều lĩnh vực, nổi bật là công nghệ, gọi xe, thanh toán số, xây dựng. Dù Softbank phải thu hẹp hoạt động đầu tư khi dịch Covid-19 bùng phát nhưng tập đoàn này cho thấy sự thích ứng nhanh chóng.
Giới chuyên môn nhận định, tốc độ các thương vụ tót vốn, thâu tóm, sáp nhập gần đây được đẩy nhanh một phần bởi sự hồi phục hoạt động kinh doanh của quỹ. Vision Fund đã ghi nhận 6.350 tỷ yên (57,4 tỷ USD) lợi nhuận đầu tư ròng trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3. Điều này khá dễ hiểu khi hàng loạt startup trong danh mục của Softbank IPO như Coupang, thu về khoản lợi nhuận khổng lồ.
Về cơ bản, chiến lược của hai quỹ Vision Fund không giống nhau, thể hiện rõ nhất ở giá trị tối thiểu của các khoản đầu tư. Tính tới cuối tháng 3, Vision Fund 1 đã chi trung bình 931 triệu USD cho mỗi startup mục tiêu. Còn Vision Fund 2 đã rót 6,7 tỷ USD vào 44 mục tiêu, trung bình giá trị đầu tư 152 triệu USD.
Vision Fund 1 thành lập năm 2017, gặp nhiều khó khăn sau bê bối của WeWork, buộc Softbank phải rót tiền cứu startup này. Softbank từng thừa nhận, đầu tư vào những startup giai đoạn đầu luôn mang tới nhiều rủi ro, vì có thể sẽ phá sản. Một khoản đầu tư nhỏ hơn vào công ty mới nổi sẽ mang lại lợi nhuận ít hơn nhưng rủi ro cũng thấp hơn.
Vision Fund 2 cải thiện những điểm yếu của Vision Fund 1, có nhiều khoản đầu tư vào các công ty công nghệ sức khỏe. 44 công ty trong danh mục của quỹ tính tới tháng 3 nằm trong lĩnh vực này. Mặc dù vậy, Vision Fund 2 làm dấy lên câu hỏi về việc liệu Softbank có quá nới lỏng quản lý rủi ro hay không. Cổ phiếu Coupang đã bắt đầu giảm chỉ một tháng sau khi IPO. Các công ty khác trong danh mục của Softbank cũng chứng kiến số phận tương tự.
Nikkei cho rằng, Softbank sẽ không dừng lại nhưng thị trường đã thay đổi nhiều và có thể đẩy tập đoàn này vào trạng thái phòng thủ một lần nữa.
Thành Dương (theo Nikkei)