Công nghệ giáo dục (edtech) đã hiện diện trong ít nhất 15-20 năm qua nhưng phải đến Covid-19, thế giới mới nhắc đến lĩnh vực này như một xu hướng chuyển đổi tất yếu của quá trình dạy và học truyền thống. Từ hình thức sơ khai ban đầu là những video chia sẻ bài giảng trực tuyến, Edtech đã phát triển mạnh với đa dạng mô hình sản phẩm, dịch vụ. Có thể kể đến những nền tảng học trực tuyến (MOOCs) như Coursera, edX, những website, ứng dụng đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng... hay những công nghệ giúp kết nối, tăng tương tác giữa người với người nhằm hỗ trợ hoạt động đào tạo từ xa.
Đặc biệt khi Covid-19 ập đến, công nghệ trở thành "cứu tinh" của ngành giáo dục khi trường học buộc phải đóng cửa phòng dịch, trong khi đó hoạt động đào tạo vẫn phải duy trì. Tại Việt Nam, cả trường công lẫn trường tư và các trung tâm đào tạo đều nỗ lực khai thác công nghệ để duy trì giảng dạy. Những xu hướng dạy và học mới cũng hình thành và hứa hẹn bùng nổ trong tương lai.
Ông Kashyap Dalal - Đồng sáng lập Simplilearn dự báo, qua Covid-19, Edtech toàn cầu sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh trong 5-10 năm tới. Đây là giai đoạn các đơn vị tận dụng công nghệ để cá nhân hóa trải nghiệm học tập của người dùng, tạo ra những cách tiếp cận mới và tối ưu hóa hiệu quả của giáo dục mọi lúc, mọi nơi bằng những cách thức không ngờ tới.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã sẵn sàng cho những mô hình giáo dục trên nền tảng số hay chưa? Tiềm năng, cơ hội và thách thức của Edtech tại thị trường 90 triệu dân là gì? Cửa nào để startup tham gia khai thác "miếng bánh" màu mỡ Edtech? Chuyên gia và đại diện những startup thành công của Việt Nam sẽ chia sẻ câu chuyện phát triển sản phẩm Edtech và kinh nghiệm cho các tân binh, trong tọa đàm trực tuyến phát sóng lúc 10h 28/5 trên VnExpress, chủ đề "Bùng nổ cuộc đua công nghệ giáo dục".
Tọa đàm có sự tham gia của ông Trần Việt Hùng - Sáng lập Got It, trụ sở tại Silicon Valley (Mỹ). Ứng dụng hỏi đáp Got It suốt thời gian dài đã nằm trong top 10 ứng dụng giáo dục trên App Store tại Mỹ, nhận hàng triệu USD từ quỹ đầu tư tên tuổi, trong đó có Capricorn. Doanh nghiệp này hiện đã phát triển hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ lớn mạnh và bắt tay cùng những đối tác lớn toàn cầu.
Bà Văn Đinh Hồng Vũ - Sáng lập kiêm CEO Elsa cũng sẽ dự tọa đàm. Elsa là ứng dụng học tiếng Anh tập trung vào kỹ năng phát âm với 4 triệu người dùng tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, vào top 5 các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu, cùng với Cortana của Microsoft và Google Allo của Google.
Ông Võ Trần Đình Hiếu - Thành viên HĐQT kiêm CFO Quỹ Tăng tốc Khởi nghiệp VIISA sẽ cung cấp góc nhìn nhà quan sát, nhà đầu tư và cố vấn cho nhiều startup Edtech Việt. VIISA đã hỗ trợ hơn 200 startup trong 5 năm qua và đào tạo nhiều hạt giống sáng giá.
Các chuyên gia, doanh nhân nổi tiếng trong giới khởi nghiệp Việt sẽ cùng bàn về sự bùng nổ cuộc đua lĩnh vực công nghệ giáo dục. Trong bối cảnh chuyển đổi sang môi trường online là tất yếu, nếu không nói là duy nhất để các lĩnh vực sống sót trong Covid-19, thì giáo dục trực tuyến cũng đã bùng nổ và mở ra con đường xán lạn cho các startup công nghệ Việt Nam. Câu hỏi đặt ra, miếng bánh thị trường edtech có dễ ăn không, làm gì để khai thác và giai đoạn cực thịnh kéo dài trong bao lâu.
Tọa đàm "Bùng nổ cuộc đua công nghệ giáo dục" là nội dung quan trọng thuộc chuỗi tọa đàm trực tuyến do VnExpress tổ chức, trong khuôn khổ chương trình bình chọn Startup Việt 2020. Chương trình chính thực khởi động từ 22/5, "hâm nóng" cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam.
Startup Việt 2020 mở đơn đăng ký từ nay đến 10/7. Dự kiến đầu tháng 2 diễn ra Gala Summit - Global Funding Camp kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp Việt với 30 nhà đầu tư quốc tế. Hàng trình 6 tháng tới quy tụ các chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp danh tiếng nhằm cung cấp cho startup tham dự góc nhìn, chiến lược, chia sẻ kinh nghiệm để tăng trưởng mạnh trong thời đại "bình thường mới".
Startup đăng ký tham gia Startup Việt 2020 tại đây.
Khánh Anh