Hủy
Xu hướng Thứ bảy, 3/4/2021, 20:00 (GMT+7)

AirAsia gia nhập thị trường gọi xe công nghệ

Giám đốc điều hành AirAsia - Tony Fernandes mới đây cho biết hãng sẽ đi sâu vào lĩnh vực gọi xe để cạnh tranh với "gã khổng lồ" Grab.

Thời điểm dịch vụ gọi xe AirAsia ra mắt vẫn chưa được xác nhận, nhưng trong chia sẻ với tờ Malay Mail, ông Tony Fernandes cho biết không ngại sự cạnh tranh và tầm ảnh hưởng của Grab.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, AirAsia đã mạo hiểm tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau như: giao nhận thực phẩm, cửa hàng tạp hóa và thậm chí là video streaming. AirAsia đặt mục tiêu trở thành siêu ứng dụng tại ASEAN. Bước đi này được cho là khá thuận tiện với AirAsia nhờ danh tiếng sẵn có trong vai trò thương hiệu thống trị thị trường hàng không giá rẻ tại khu vực Đông Nam Á. Tuy vậy, Kr-Asia nhận định, các dịch vụ của AirAsia vẫn cần cải thiện nhiều trước khi khách hàng đủ tin tưởng để sử dụng.

Tony Fernandes - Giám đốc AirAsia.

Ông Tony Fernandes - Giám đốc AirAsia.

Tại Malaysia, dịch vụ giao đồ ăn của AirAsia đã triển khai được gần một năm nhưng vẫn còn nhiều hạn chế và chưa có đủ sức cạnh tranh với Grab và Foodpanda. Theo Kr-Asia, AirAsia cần phải liên kết mạnh mẽ hơn nữa với các nhà hàng các khu vực xa trung tâm để gia tăng khả năng lựa chọn món ăn cho khách hàng.

Nếu việc thiếu tài xế là nguồn cơn cho tỷ lệ tiếp cận khách hàng thấp, AirAsia cũng cần phải thay đổi trước khi bước chân vào thị trường gọi xe bởi khách hàng luôn muốn có thể sử dụng dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, bất kể là giao đồ ăn hay di chuyển.

Hiện tại, AirAsia có mức thu hoa hồng từ các nhà hàng thấp hơn khá nhiều so với các dịch vụ khác (10%). Vì thế, hãng cũng có thể sẽ áp dụng chiến lược tương tự khi triển khai dịch vụ gọi xe. Doanh thu thấp khiến AirAsia phải loại bỏ tính năng theo dõi hành trình của người giao hàng theo thời gian thực.

Bất chấp những hạn chế và khó khăn về kỹ thuật, Kr-Asia nhận định, AirAsia có tiềm năng để phát triển thương hiệu như họ mong muốn. Danh tiếng vốn có sẽ giúp hãng tăng cường sự nhận biết và quan tâm của khách hàng.

Fernandes chia sẻ: "Tôi đã có 8 năm làm việc với Grab để rút kinh nghiệm. Tôi không cần phải lãng phí tiền cho việc thử nghiệm, xây dựng công nghệ, đào tạo lái xe và đào tạo thị trường cách đặt hàng, họ đã làm tất cả cho tôi".

Ngoài ra, theo kế hoạch, AirAsia sẽ không dừng lại ở dịch vụ gọi xe. Trước đó thương hiệu đã lên kế hoạch phát triển tại thị trường giao hàng bằng máy bay không người lái và taxi hàng không.

Thảo Miên (Theo Kr-ASIA)