Hủy
Xu hướng Thứ ba, 10/4/2018, 20:35 (GMT+7)

Cơ hội và thách thức trong ứng dụng công nghệ blockchain ở Việt Nam

Công nghệ blockchain có thể được ứng dụng để lưu hồ sơ bệnh án, giao dịch nông sản, truy xuất nguồn gốc thực phẩm trên nền tảng phi tập trung. 

Nhận định về tiềm năng ứng dụng blockchain cụ thể tại Việt Nam, CEO Vương Quang Long của TomoChain - startup phát triển nền tảng công nghệ này cho biết: "Nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam có thể ứng dụng blockchain vào các lĩnh vực cụ thể như y tế (quản lý hồ sơ bệnh án), quản lý dữ liệu công dân, chuỗi cung ứng sản phẩm, nông nghiệp (truy xuất nguồn gốc thực phẩm), phát hành cổ phiếu, giao dịch chuyển tiền...Các ứng dụng phi tập trung giúp tự động hóa những quy trình thông qua 'smart contract'- hợp đồng thông minh, tăng cường khả năng minh bạch, tin cậy". 

Nguyễn Sỹ Thanh Sơn, Giám đốc công nghệ TomoChain bổ sung, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính nên quan tâm tới việc xây dựng ứng dụng trên nền tàng blockchain. Bởi dữ liệu khi được lưu trên blockchain sẽ rất an toàn, gần như không thể bị xóa hoặc thay đổi. Đặc điểm này của công nghệ phù hợp với các giao dịch tài chính và các ứng dụng liên quan đến truy xuất nguồn gốc. 

Ví dụ, trong ngành nông sản, người nông dân thường hưởng lợi rất ít từ lợi nhuận mà người mua trả cho sản phẩm của họ. Lợi nhuận thường rơi vào các cá nhân, đơn vị làm trung gian mua bán. Xây dựng một sàn giao dịch sản phẩm nông nghệp trên nền tảng blockchain sẽ giúp người mua, người bán nắm quyền nhiều hơn trên hệ thống. 

"Việc xuất nhập khẩu hiện nay thường phải thông qua các trung gian. Ngoài ra, khâu thanh toán thường có nhiều bất trắc, phải thông qua ngoại tệ mạnh như đôla Mỹ. Điều này khiến chi phí giao dịch trong xuất nhập khẩu cao, từ 15% đến 20%, dẫn đến việc bên xuất khẩu trả giá cho người nông dân thấp còn bên nhập khẩu phải chịu đội giá trong chế biến nông sản", ông Quân Lê, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Binkabi cho biết. 

Tại Việt Nam, công nghệ blockchain có thể được ứng dụng trong các ngành y tế công nghệ cao, nông nghiệp, phát hành chứng khoán, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, tài chính, đầu tư...

Tại Việt Nam, công nghệ blockchain có thể được ứng dụng trong các ngành y tế công nghệ cao, nông nghiệp, phát hành chứng khoán, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, tài chính, đầu tư...

Trong trường hợp của Binkabi - công ty công nghệ tài chính ứng dụng công nghệ blockchain để giải quyết các vấn đề trong chuỗi giá trị nông nghiệp tại các nước đang phát triển, cụ thể là các trở ngại trong việc xuất nhập khẩu nông sản, hàng hoá. Công nghệ blockchain cho phép những đối tác dù không biết nhau ngoài đời vẫn có thể thực hiện quá trình giao dịch thông suốt, an toàn và hiệu quả. Binkabi sắp tới cũng thực hiện mã hóa những hàng hóa thông dụng và phát hành token. 

Theo ông Long, nền tảng blockchain có tính tự động hóa cao, do vậy có thể giảm chi phí server, vận hành. Tất cả nghiệp vụ được thực hiện thông qua hợp đồng thông minh, giúp giảm thiểu sai sót, chi phí. Đây là một trong những xu hướng lớn trong tương lai phát triển toàn cầu, loại bỏ những đơn vị trung gian trong việc quản lý và vận hành những nền tảng công nghệ. 

Phát triển ứng dụng trên nền tảng blockchain là mô hình hoạt động mới, dựa trên việc trao quyền vận hành cho cộng đồng, mang lại giá trị thẳng cho người dùng thay vì những tổ chức, doanh nghiệp trung gian, công ty hay một nhóm cổ đông. Đây là mô hình rất khác so với những công ty truyền thống. 

Các chuyên gia cho biết blockchain là cuộc cách mạng tiếp theo của Internet. Xu hướng từ công nghệ này phát triển ngược hẳn so với các tập đoàn công nghệ đa quốc gia như Google, Facebook, Uber, AirBnB... - những đơn vị tập trung quyền lực rất lớn, kiếm được hàng chục tỷ đôla vì sở hữu nguồn thông tin, dữ liệu từ hàng tỷ người dùng trên toàn cầu.

"Sự ra đời của công nghệ blockchain và các đồng tiền thuật toán là khởi đầu cho nền kinh tế tiền điện tử phi tập trung. Thế giới đang thay đổi, các thành phần kinh tế hiện tương tác với nhau theo một cách mới. Điều này đòi hỏi những dòng chảy giá trị mới. Hợp đồng thông minh trên nền tảng blockchain cần phương tiện và công cụ để vận hành, ở đây chính là token", ông Trần Anh Dũng, CEO startup công nghệ tài chính MOG nhận định.

"Dòng chảy được nhắc đến ở đây là dòng chảy 'Internet of Value' – một thế hệ những ứng dụng mới trong ngành tài chính, dòng chảy về nền kinh tế phi tập trung, và các ứng dụng phi tập trung, dòng chảy về xây dựng kiến trúc hệ thống ứng dụng cũng như sản phẩm trên Internet dựa trên nền tảng blockchain phi tập trung. Bản thân nền tảng hạ tầng blockchain mà TomoChain cùng các startup khác đang xây dựng cũng nằm trong dòng chảy đấy với mục tiêu giúp phát hành token, tích hợp token trong những ứng dụng phi tập trung đó", CEO Vương Quang Long bổ sung. 

Phát triển và ứng dụng công nghệ blockchain tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới còn phải đối mắt với những thách thức từ nền tảng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hành lang pháp lý cũng như tầm nhìn của các đơn vị phát triển, doanh nghiệp, tập đoàn lớn. 

Phát triển và ứng dụng công nghệ blockchain tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới còn phải đối mắt với những thách thức từ nền tảng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hành lang pháp lý cũng như tầm nhìn của các đơn vị phát triển, doanh nghiệp, tập đoàn lớn. 

Ngay cả các doanh nghiệp có mô hình kinh doanh truyền thống cũng có thể tích hợp các ứng dụng blockchain để giải quyết từng phần những vấn đề về khâu vận hành trung gian, quản lý, chăm sóc khách hàng, làm thẻ tích điểm...

Tuy vậy, trên thực tế, phát triển và ứng dụng công nghệ blockchain trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với rất nhiều trở ngại, thách thức. Thứ nhất, tốc độ phát triển của công nghệ chuỗi khối ở thời điểm hiện tại được so sánh với Internet cuối những năm 1990. Kỳ vọng từ thị trường, các nhà đầu tư và các nhà phát triển phần mềm blockchain rất lớn nhưng nền tảng này vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển ở thời kỳ đầu. 

Có nhiều vấn đề mà công nghệ này chưa giải quyết được hoàn toàn. Những nền tảng cho phép thực hiện nhiều lý tưởng của con người vẫn còn đang trong giai đoạn mới hình thành, chưa đạt được sự kỳ vọng về tốc độ xử lý, khả năng lưu trữ dữ liệu, khả năng tính toán dữ liệu như tập đoàn công nghệ trung gian như Google, Facebook...

"Thách thức thứ hai là về mặt pháp lý. Hiện nay, hành lang pháp lý cho các hoạt động blockchain, ICO vẫn chưa rõ ràng tại nhiều quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng, chưa có các pháp lý cho quản lý tài sản số trên hệ thống, nền tảng. Việc này đồng nghĩa với việc không thể thu được thuế từ các hoạt động ICO, cũng như không bảo vệ được nhà đầu tư sở hữu tài sản số", ông Long cho biết.

Việc tích hợp công nghệ blockchain vào mô hình kinh doanh sẵn có của doanh nghiệp cũng không đơn giản, bộc lộ nhiều điểm yếu. Ông Trần Anh Dũng cho biết: "Dù quan tâm đến công nghệ này nhưng chúng tôi vẫn chỉ dừng ở mức ngồi im và quan sát. Startup MOG hiện có năm loại sản phẩm chính gồm quảng cáo online, thanh toán điện tử và ví điện tử, tiện ích di động, giải trí game, và kết nối bán lẻ. Đơn vị trong hệ sinh thái của MOG rất mạnh trong bài toán kinh doanh thực tế với khoảng 400.000 đơn hàng được xử lý thành công hàng tháng. Giờ nếu ứng dụng công nghệ blockchain thế hệ cũ, chúng tôi sẽ phải chịu phí giao dịch cao, thời gian xác nhận giao dịch dài. Điều này sẽ phá vỡ cấu trúc chi phí, doanh thu lợi nhuận của doanh nghiệp".

"Blockchain chưa chín muồi, chưa đủ lớn, nhưng không có nghĩa là chúng ta chưa cần dùng. Ngược lại, đây là cơ hội lớn để Việt Nam rút ngắn khoảng cách với các nước khác, các công ty phát triển ứng dụng phi tập trung ngoại", ông Trần Huy Vũ, nhà đồng sáng lập của Kyber Network chia sẻ. 

Phương Nguyên