Hủy
Xu hướng Thứ tư, 20/5/2020, 15:00 (GMT+7)

Covid-19 thay đổi tư duy khởi nghiệp tại Trung Quốc

Đại dịch là hồi chuông cảnh tỉnh các startup có tư duy 'đốt tiền' để nhìn lại mô hình kinh doanh, trong khi giới đầu tư ngày càng trở nên thận trọng.

Những tháng vừa qua đầy sóng gió đối với Abel Zhao, CEO và đồng sáng lập TravelFlan, startup du lịch có trụ sở tại Hong Kong. Sau khi huy động thành công 7 triệu USD trong vòng Series A cuối năm ngoái, Abel Zhao lên kế hoạch mở rộng đội ngũ. Rồi Covid-19 bùng phát, việc kinh doanh gần như về con số 0.

"Hoạt động kinh doanh thua lỗ đến 99,9% chỉ hai tuần sau khi dịch bùng nổ", anh nói. "Từ ngày 17/1, kinh doanh thương mại du lịch tê liệt. Dù cố gắng triển khai dịch vụ mới, chúng tôi lại không đủ nguồn lực", Zhao cho biết.

Đại dịch dẫn đến sự sụt giảm lợi nhuận trong nhiều ngành như du lịch, bán lẻ, khách sạn. Thị trường ảm đạm, nhu cầu cạn kiệt, startup những ngành này không thể duy trì hoạt động bình thường. Một số sa thải nhân sự để cắt giảm chi phí, số khác cạnh tranh trong cửa hẹp của các vòng gọi vốn, nuôi hy vọng cầm cự đến cuối năm. Không ít startup phải đóng cửa doanh nghiệp tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Theo báo cáo của Startup Genome, hệ sinh thái khởi nghiệp Trung Quốc thấm đòn đầu tiên bởi Covid-19, với lượng vốn đầu tư giảm hơn 50% trong hai tháng đầu khủng hoảng, tiếp theo là châu Á và phần còn lại của thế giới.

Trên toàn cầu, khoảng 41% các công ty khởi nghiệp nằm trong "vùng đỏ", tức nguồn tiền chỉ đủ để vận hành doanh nghiệp trong chưa đầy ba tháng. Trong 10 công ty khởi nghiệp thì có 4 sẽ "khai tử" trong ba tháng tới nếu vốn và doanh thu không tăng thêm, trong khi chi phí không đổi.

41% các công ty khởi nghiệp có nguồn tiền chỉ đủ vận hành trong chưa đầy ba tháng. Nguồn: Startup Genome

41% các công ty khởi nghiệp có nguồn tiền chỉ đủ vận hành trong chưa đầy ba tháng. Nguồn: Startup Genome

Áp lực về dòng tiền đè nặng lên Jia Changlei, Giám đốc tiếp thị và điều hành của YouLiang Technology, một công ty khởi nghiệp cung cấp dịch vụ đồ ăn sẵn, khách hàng chủ yếu là người lao động trẻ.

Các tháng sau kỳ nghỉ Tết thường là thời điểm bận rộn của startup này. Năm nay thì khác. Chỉ trong tuần đầu tiên sau nghỉ lễ, chỉ gần 5% trong tổng số cửa hàng YouLiang được mở cửa. Ngày ế ẩm nhất, doanh thu tính trên khắp 30 cửa hàng tại Trung Quốc chưa đến 140 USD. Đó là cú lao dốc khó tin với Jia khi doanh thu trung bình hàng tháng năm ngoái, khoảng 253.000 USD.

So với nhiều startup thực phẩm theo mô hình offline truyền thống, trường hợp của Jia vẫn là may mắn, bởi hầu hết các cửa hàng theo hình thức nhượng quyền thương mại, không nhiều nhân lực và ít chịu áp lực từ phí thuê mặt bằng. Các đối tác lâu năm còn cho phép Jia trả nợ khi việc kinh doanh trở lại bình thường. Nhưng Jia không thấy tín hiệu nào cho thấy việc kinh doanh sẽ khá hơn. Thay vì đến cửa hàng hoặc đặt hàng online, một nửa khách hàng của anh nay tự nấu ăn và mang đến nơi làm việc.

YouLiang Technology chuyên cung cấp dịch vụ giao đồ ăn sẵn.

YouLiang Technology chuyên cung cấp dịch vụ giao đồ ăn sẵn.

Đó không phải là lý do duy nhất khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại. Theo yêu cầu không tập trung đông người, tránh nguy cơ lây nhiễm, các cửa hàng YouLiang Technology phải đóng cửa trong giờ cao điểm.

"Các món ăn có giá rẻ hơn của chúng tôi giờ được đặt nhiều hơn. Điều đó có nghĩa, nâng giá không phải là một lựa chọn khôn ngoan lúc này", Jia nói. Anh dự định điều chỉnh mô hình kinh doanh và đổi mới thực đơn để có thêm khách hàng, nhưng thừa nhận đó là một thách thức lớn.

Khả năng thích ứng 

"Các startup vận hành trong môi trường không ổn định và được thiết kế để thích ứng nhanh", Oscar Ramos, giám đốc điều hành của Chinaccelerator, một tổ chức tăng tốc khởi nghiệp có trụ sở tại Thượng Hải cho biết. "Những thời điểm biến động như bây giờ là cơ hội cho các startup, vì người tiêu dùng và nhà đầu tư cởi mở hơn với những thay đổi. Startup nhỏ nhưng đi nhanh", chuyên gia nói.

TravelFlan là một ví dụ về khả năng thích ứng và đối phó. Hai tuần khi doanh thu từ du lịch đi xuống, TravelFan ra mắt nền tảng thương mại điện tử và bắt đầu bán các sản phẩm về phong cách sống. Ban đầu, startup này bán các thiết bị bảo vệ như mặt nạ và chất khử trùng bằng cách livestream, sau đó mở rộng sang mỹ phẩm, cà phê. TravelFlan từng bán 12.000 tách cà phê tại Hàn Quốc trong một ngày. Startup này đang tích hợp các dịch vụ liên quan đến du lịch cùng với phong cách sống, ấp ủ một vài mô hình kinh doanh khác nhau. 

Nhưng việc mở rộng kinh doanh không đồng nghĩa với thoát khỏi thiệt hại từ dịch bệnh. Startup này ban đầu dự định tăng từ 25 lên 45 nhân sự sau khi đóng vòng Series A, nhưng kế hoạch tuyển dụng đã đóng băng trong dịch. Hiện một nhân viên đảm nhận khối lượng công việc của hai người.

Tiết kiệm chi phí

Cũng theo Startup Genome, kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng, 74% các công ty khởi nghiệp đã phải cắt hợp đồng với các nhân viên toàn thời gian. 39% các startup mới thành lập đã phải sa thải 20% nhân viên trở lên.

Đối với những nhà sáng lập startup đã quá quen đốt tiền để thực hiện giấc mơ, đại dịch là hồi chuông cảnh tỉnh họ để cân nhắc các hoạt động kinh doanh. "Các biện pháp tiết kiệm chi phí là rất quan trọng đối với sự sống còn của các công ty khởi nghiệp", Ramos nói. "Nhiều công ty khởi nghiệp đặt mục tiêu mở rộng quy mô, chúng tôi khuyên mỗi startup nên chú trọng tính hiệu quả, vì hiệu quả mới giúp đi nhanh được."

"Sự khác biệt của một công ty đến từ việc tập trung vào khách hàng và nhu cầu của họ", ông nhấn mạnh, bởi "bằng cách này, chỉ với ít nguồn lực, cũng cho thấy tiềm năng mở rộng".

Nhà đầu tư thận trọng

Theo dữ liệu của Pitchbook, trong sáu tuần đầu năm, khối lượng giao dịch và vốn huy động ở Trung Quốc đã giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Zhao, sáng lập TravelFlan trong nỗ lực thuyết phục các nhà đầu tư để hoàn tất vòng gọi vốn Series A+ cho biết, anh nhận thấy tâm lý thận trọng rõ rệt.

"Mọi người muốn đặt tiền của họ ở những nơi an toàn hơn khi nền kinh tế đang khủng hoảng", Nan Guo,  nhà quản lý đầu tư lĩnh vực fintech và IoT nói. Ông khuyên các công ty khởi nghiệp nên thích nghi với điều kiện thị trường mới và tập trung vào việc cung cấp các sản phẩm thị trường cần.

Thêm vào đó, các nhà đầu tư giai đoạn đầu muốn dành nhiều thời gian gặp gỡ, đánh giá khả năng của đội ngũ sáng lập cho giai đoạn thẩm định doanh nghiệp. Nhưng bây giờ, điều này bị hạn chế. Ramos từ Chinaaccelerato cho biết ông vẫn đang xem xét các giao dịch mới, nhưng các cuộc gặp không nhanh như trước.

Theo Ramos, nhiều startup thành công nhất trong thập kỷ qua sinh ra trong thời kỳ thị trường suy thoái. Hơn 50 kỳ lân công nghệ bắt đầu trong cuộc suy thoái 2007-2009 và hiện được định giá chung là 145,2 tỷ USD, bao gồm Slack, Uber và Airbnb.

"Đại dịch là cơ hội để các công ty khởi nghiệp kiểm tra lại mô hình kinh doanh, điều chỉnh để đạt được hiệu quả cao hơn. Bạn có thể thành công mà không cần đầu tư, nhưng bạn không thể thành công nếu không có một doanh nghiệp phù hợp", ông lưu ý.

Phạm Vân (Nguồn: CGTN)