Doctor Anywhere, ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa có trụ sở tại Singapore mới đây huy động thành công 27 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B từ một nhóm các nhà đầu tư điều hành bệnh viện Malaysia, IHH.
"Khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, nhiều nhà đầu tư tiếp cận với chúng tôi bày tỏ sự quan tâm và thiết lập các cuộc thảo luận cho các khoản đầu tư tiềm năng", ông Lim Wai Mun, người sáng lập và CEO Doctor Anywhere cho biết.
Ứng dụng Doctor Anywhere cho phép hơn một triệu người dùng tham khảo ý kiến bác sĩ địa phương thông qua cuộc gọi video, với giá 20 đôla Singapore (14 USD) mỗi lần tư vấn. Thuốc được chuyển đến địa điểm của người dùng trong vài giờ. Khoảng 1.300 bác sĩ đa khoa và chuyên gia chăm sóc sức khỏe tại Singapore, Thái Lan và Việt Nam đăng ký hoạt động trên nền tảng này. Theo lời Lim Wai Mun, trước đó, Doctor Anywhere đã tăng trưởng 2-3 lần từ khi Covid-19 khởi phát tại Trung Quốc. Dịch bệnh thúc đẩy nhu cầu cung cấp, phân phối thông tin và dịch vụ liên quan đến sức khỏe thông qua công nghệ đến người dân.
Tại Việt Nam, đầu tháng 2, nhà bán lẻ dược phẩm lớn nhất là Pharmacity công bố gọi vốn thành công 31,8 triệu USD, khoản đầu tiên trong vòng Series C. Nền tảng phân phối thuốc Việt - Thuocsi.vn thuộc BuyMed cũng nhận 2,5 triệu USD từ vòng gọi vốn Seria A. Nhà đầu tư là Chương trình tăng tốc giới nghiệp giai đoạn đầu của Sequoia Capital Ấn Độ và Genesia Venture.
Lĩnh vực giao hàng tăng tưởng nhờ cách ly xã hội
Trong bối cảnh hầu hết các quốc gia Đông Nam Á thực hiện cách ly hoặc giãn cách xã hội kéo dài vì Covid-19, giao hàng là giải pháp duy nhất kết nối người tiêu dùng và hàng hóa. Cơ hội này tạo đà cho các startup giao hàng duy trì hoạt động bình thường, thậm chí còn tăng trưởng.
Tổng số tiền huy động từ các startup trong lĩnh vực 3 tháng đầu năm tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ, lên tới 56 triệu USD, theo Crunchbase (Mỹ). Startup logistics của Indonesia - Kargo Technologies nhận được 31 triệu USD; Ninja Van của Singapore huy động thành công 124 triệu USD trong tháng này. Tại Malaysia, startup giao hàng thực phẩm Dahmakan được rót 18 triệu USD.
Khoảng 80% số vốn mới huy động trong quý 1/2020 là của Gojek (Singapore) và đối thủ Grab. Gojek và Grab lần lượt huy động được 1,2 tỉ USD và 850 triệu USD, cho thấy những đối tượng kỳ lân này tiếp tục là mục tiêu đầu tư hấp dẫn. Trong khi các dịch vụ gọi xe di động bị tạm dừng, cả Gojek và Grab đều tập trung cho mảng giao hàng thực phẩm.
Martin Tang, đồng sáng lập và đối tác của Genesis Alternative Ventures tại Singapore chia sẻ trên Nikkei Asian Review rằng các nhà đầu tư đang săn lùng khoản đầu tư có giá trị tốt, đặc biệt là trong các lĩnh vực có khả năng kháng Covid-19, như ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa telehealth và giao nhận. Triển vọng cho phần còn lại của năm sẽ phụ thuộc vào thời gian giãn cách xã hội của chính phủ các nước.
Thành Dương (tổng hợp)