Hạng mục đầu tư của các quỹ bắt đầu có xu hướng mở rộng thay vì tập trung nhiều vào mảng y tế và giao hàng như trong đỉnh dịch Covid-19. Cả 4 thương vụ rót vốn lớn nhất vào startup Việt quý 3 đều không có sự trùng lặp về ngành nghề. Các chuyên gia đánh giá những startup này không chỉ chứng minh được sức sống ngay trong thời gian khó khăn nhất mà còn có triển vọng phát triển trong tương lai.
Okxe Việt Nam - 5,5 triệu USD
Không rầm rộ trên truyền thông, nhưng hồi tháng 8, nền tảng mua bán xe máy cũ Okxe Việt Nam bất ngờ thông báo huy động được 5,5 triệu USD ở vòng gọi vốn Series A từ các nhà đầu tư nước ngoài. Trong vòng gọi vốn này công ty nhận được sự quan tâm từ 6 nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, bao gồm IMM Investment Corp và KB Investment.
Với nguồn vốn mới, đại diện Okxe dự kiến dùng để mở rộng thị trường, tối ưu hóa sản phẩm và công tác vận hành. Một phần của khoản đầu tư sẽ được sử dụng vào hoạt động nâng cao nhận thức người dùng về phương thức mua bán xe thông qua nền tảng số.
Okxe cung cấp các giao dịch thương mại điện tử về mua bán xe máy cũ dựa trên nền tảng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) và big data. Doanh nghiệp đưa ra những giải pháp phù hợp cho người mua, người bán và cung cấp những giao dịch an toàn nhằm chất lượng hoá các giao dịch mua bán xe máy tại thị trường Việt Nam, bên cạnh đó đáp ứng nhu cầu mua và bán của người dùng.
Riviu - 3,6 triệu USD
Riviu là startup đánh giá ẩm thực thành lập từ năm 2019. Tháng 9 vừa qua, startup này công bố nhận vốn 3,6 triệu USD từ nhà đầu tư ngoại, nhưng không tiết lộ thông tin thêm.
Tiền thân của Riviu là nhóm Thánh Riviu trên mạng xã hội đã phát triển nhanh chóng và trở thành cộng đồng hàng đầu trong giới trẻ trong lĩnh vực ẩm thực và đời sống. Tháng 2 năm nay, công ty Riviu thành lập, ra mắt website và ứng dụng thu hút hàng chục nghìn nội dung chất lượng và độc đáo. Với ứng dụng Thánh Riviu, người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin và nhận xét đánh giá của hơn 120.000 nhà hàng, khách sạn và dịch vụ.
Mô hình kinh doanh của Riviu có nhiều điểm tương đồng với Meituan-Dianping, startup công nghệ của Trung Quốc chuyên về đánh giá nhà hàng, khách sạn, và dịch vụ. Hiện Meituan-Dianping được niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong với giá trị vốn hóa gần 200 tỷ USD.
Kim An
Số vốn vòng series A không được tiết lộ cụ thể, tuy nhiên theo bà Phan Phương Thảo, CEO Kim An, khoản đầu tư từ triệu đôla Mỹ (ở mức 7 con số). Ba quỹ cùng tham gia rót vốn là Patamar Capital, Viet Capital Ventures và East Ventures. Trước đó, công ty fintech này đã nhận được một khoản đầu tư ươm tạo từ một quỹ trong nước.
Công ty cổ phần tư vấn đầu tư Kim An khởi nghiệp năm 2013 với xuất phát điểm là mô hình chấm điểm tín dụng, dần trở thành một fintech chuyên cung cấp dịch vụ thuê ngoài cho các tổ chức tín dụng về tư vấn, kết nối vay vốn, công nghệ, chấm điểm tín dụng và quản lý sau vay.
Hiện Kim An hoạt động với 80 chi nhánh, chủ yếu tập trung tại các thành phố cấp một và 2. Theo bà Phan Phương Thảo, công ty đã làm việc với 10 tổ chức tín dụng và có 25.000 khoản vay đã giải ngân thành công trong hai năm qua. Thị trường mà Kim An nhắm tới 5,6 triệu hộ kinh doanh cá thể cùng khoảng một triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nơi được xem còn nhiều tiềm năng để khai thác.
Vietmoney
Vietmoney cũng không tiết lộ số vốn huy động thành công trong vòng gọi vốn Series A trong tháng 9 nhưng được cho là ở mức triệu USD. Hai quỹ đầu tư tham gia vòng này là Probus Opportunities (Probus) và Digi Ventures. Probus và Digi Ventures sẽ đồng nắm giữ 30% cổ phần tại Vietmoney và cùng tham gia vào hội đồng quản trị.
Thành lập từ năm 2016, Vietmoney hoạt động theo mô hình O2O (online to offline) với 16 chi nhánh tại TP HCM, phục vụ hơn 20.000 khách hàng thường xuyên. Công ty có kế hoạch mở rộng mạng lưới lên 100 chi nhánh, có độ phủ tại 28 tỉnh thành toàn quốc trong thời gian tới.
Thành Dương