Indonesia là quốc gia có dân số đông thứ tư và nền kinh tế lớn thứ 16 thế giới. Đây là đất nước có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển nhanh, đã sản sinh ra bốn startup kỳ lân và đang sẵn sàng cho 5 dự án kỳ lân nữa đến hết năm 2019.
Điều gì đã khiến hệ sinh thái tại đây thu hút sự chú ý và kịch bản đầu tư diễn ra như thế nào? Theo ông Nicko Widjaja - CEO MDI Ventures và giám đốc chương trình tăng tốc Indigo của Telkom Indonesia, những năm qua, đầu tư startup đang lan rộng ở quốc gia này. Từng có thời gian làm việc ở Mỹ trước khi chuyển đến Jakarta, Widjaja có kinh nghiệm về lĩnh vực khởi nghiệp khi từng làm việc cho các startup trong thời kỳ dotcom.
Trở về thủ đô, ông quyết định lan tỏa linh hồn đó tại Indonesia song thời điểm ấy kịch bản đầu tư lại chậm và mới ở giai đoạn sơ khởi khi các nhà đầu tư không biết phải bỏ tiền vào đâu. Mặc dù vậy, Widjaja đã học được rất nhiều thứ khi tham gia hệ sinh thái khởi nghiệp Indonesia từ những ngày đầu. Hiện ông điều hành quỹ đầu tư MDI Ventures của Telkom Indonesia với số tiền lên đến 100 triệu USD.
MDI Ventures đã đầu tư vào 27 dự án ở 10 quốc gia. Trong đó, ở Indonesia chiếm số lượng nhiều nhất, ngoài ra còn có các startup đến từ Mỹ, Singapore, Nhật, Ấn Độ và Philippines. Dù không phải quỹ đầu tư đầu tiên nhưng đây hiện là quỹ đầu tư lớn nhất tại Indonesia.
Việc lựa chọn đầu tư của quỹ sẽ song hành với lợi ích của Telkom Indonesia - đơn vị viễn thông lớn nhất và cũng là một doanh nghiệp lớn tại Indonesia. Các lĩnh vực cụ thể mà họ đầu tư là IoT, Big Data, AI & ML… “Cơ bản là những công nghệ chưa được phổ biến trong các doanh nghiệp Indonesia hiện nay. Chúng tôi cũng tìm kiếm đầu tư trong lĩnh vực thương mại điện tử hoặc cổng thanh toán và chỉ đầu tư vòng series A”, ông cho biết.
Nói về kịch bản đầu tư ở Indonesia, Widjaja không cho rằng các nhà đầu tư đang đặt cược lớn ở giai đoạn này. Lý do các quỹ mạo hiểm liên tục giải thể là vì chỉ có một số thỏa thuận thật sự tốt trong hệ sinh thái khởi nghiệp tại đây và sự cạnh tranh lại rất cao. “Rất nhiều đối thủ cạnh tranh cùng nhắm đến một mục tiêu. Bên cạnh đó, các quỹ này đều được dẫn dắt bởi những giám đốc hàng đầu nhưng lại không hiểu những thách thức khốc liệt trong lĩnh vực này”, ông phân tích.
Dù rất sẵn sàng đón nhận thách thức và là một quỹ đầu tư lớn ở Indonesia, Widjaja thừa nhận họ không phải là một trong những quỹ được biết đến nhiều nhất bên ngoài biên giới. Mỗi nhà đầu tư luôn tìm kiếm những phẩm chất nhất định của tự bản thân người doanh nhân. Rất nhiều khoản đầu tư chảy đến bởi sự tin tưởng dành cho nhà sáng lập. Tuy nhiên, Widjaja nói thêm rằng họ cũng tin tưởng vào những nguyên tắc cơ bản. Điều mà MDI Ventures tìm kiếm đầu tiên ở nhà sáng lập là kinh nghiệm.
“Chúng tôi muốn làm việc với những người đã có nhiều trải nghiệm. MDI Ventures là một quỹ non trẻ, chứ không phải một thương hiệu lâu đời với kinh nghiệm để mất hàng tỷ USD và biết cách thu hồi nguồn tiền đầu tư của mình”.
Các tập đoàn thường tin rằng startup chỉ là một khoản đầu tư nhỏ và họ cần một người đồng hành lớn hơn để cùng nhìn ra thế giới. Song, vị giám đốc cho rằng không phải lúc nào điều này cũng đúng và chỉ ra có một số công ty mà MDI Ventures đầu tư có miếng bánh thị trường lớn hơn Telkom, đơn cử là lĩnh vực AI.
Một trong những chiến lược của Telkom Indonesia là mua lại và sáp nhập một số dự án. “Bằng cách này, chúng tôi có thể giảm thiểu các nguy cơ và cho phép các dự án gia nhập các lĩnh vực mục tiêu tiềm năng khác. Chúng tôi cũng cố vấn cho các startup non trẻ hiểu biết cách phát triển theo cấp số nhân”, ông chia sẻ.
Trương Sanh (theo Entrepreneur)