CEO Lê Anh Tiến cùng cộng sự giữa năm ngoái cho ra mắt Govi - nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong tìm việc cho người lao động. Sau đó, nhận thấy thị trường Việt Nam chưa sẵn sàng với những dạng sản phẩm thế này, nhóm chuyển hướng sang thị trường Mỹ.
Không có thị trường phù hợp với sản phẩm công nghệ cao tại Việt Nam cũng là bài toán với startup Cinnamon - công ty chuyên các sản phẩm ứng dụng AI trong xử lý công việc hành chính.
Anh Nghiêm Xuân Bách, Giám đốc khu vực Cinnamon cho biết: “Việt Nam tuy có nhu cầu nhưng thực sự chưa có thị trường. Tệp người dùng lớn nhưng số khách hàng sẵn sàng trả tiền cho sản phẩm lại không nhiều”.
Ngay từ đầu, Cinnamon xác định chưa thể bán ngay các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam. Công ty chia sẻ đối với các đối tác nước ngoài, họ sẵn sàng trả 40-50 đôla cho một gói sản phẩm nhưng các công ty Việt Nam lại có sự cẩn trọng rất lớn, thủ tục cũng tốn nhiều thời gian. Với quy mô nhỏ, nhiều công ty Việt Nam không sẵn sàng chi trả.
Anh Bách cho biết, trong lĩnh vực AI, nhiều đơn vị đều nói về việc phát triển công nghệ lõi, nhưng ít nhà sáng lập tìm kiếm được một hình mẫu sản phẩm để thương mại hoá công nghệ này. Do vậy sức ảnh hưởng của các công nghệ này còn khá thấp.
Anh Võ Việt Anh, CEO của startup DropDeck (nền tảng ứng dụng công nghệ AI và Blockchain để đánh giá startup - nhà đầu tư) nhìn nhận, Việt Nam chưa có nhiều đơn vị thực sự làm AI ngoài một vài cái tên nổi bật như John von Neumann (JVN), Icare Benefits, GotIt, Topica AI Labs.
“Đa số những công ty tự nhận làm AI chỉ áp dụng các thuật toán thông thường, không đủ gọi là AI. Yếu tố nhận diện dễ nhất của AI là 'học' - hệ thống thông minh dần theo thời gian dù con người nâng cấp hay không”, CEO DropDeck chia sẻ.
Tư duy, thói quen gia công sản phẩm công nghệ hơn là sự nỗ lực sáng tạo, thiết kế ra các mô hình sản phẩm mới cũng gây trở ngại cho sự phát triển của các công ty công nghệ Việt Nam.
“Cũng như Hàn Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam và người lao động chưa giỏi trong việc sáng tạo và thiết kế sản phẩm. Doanh nghiệp cần phải có một bước tiến xa hơn, từ việc gia công, lắp ráp sáng tạo ra các sản phẩm, xây dựng ngành công nghiệp hoặc nền tảng hoàn toàn mới”, Giáo sư, Tiến sĩ Lee Jun Ho, Cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Khoa học - Công nghệ của Hàn Quốc, chuyên gia về kinh tế học lao động, chính sách khoa học và công nghệ nhận định.
Theo ông Lee, khả năng thực hiện sản phẩm, dịch vụ được hiểu là việc đọc một thiết kế có sẵn và biến nó thành hiện thực nhờ các nguồn lực. Trong khi đó, khả năng thiết kế, định nghĩa sản phẩm là vẽ lên bức tranh từ một tờ giấy trắng và làm ra những sản phẩm ban đầu.
Anh Việt Anh khẳng định, để phát triển sản phẩm mới hoàn toàn đòi hỏi nhiều điều kiện. Đó là tính chuyên môn kỹ thuật cao, quản lý đội ngũ nhân viên kỹ thuật, tư duy thực dụng để tạo ra sản phẩm làm ra tiền, kiến thức và kỹ năng về một mảng hoàn toàn mới trong thế giới công nghệ mà không có trường lớp nào dạy.
Bên cạnh đó, các startup cũng phải tạo dựng mạng lưới quan hệ để mời được những đồng nghiệp chung chí hướng, có trình độ và mức độ chín chắn nhất định; hiểu biết về thị trường startup và công nghệ thế giới để biết cái gì đã làm rồi, đã thành công hoặc thất bại, để học theo hoặc né tránh. Quan trọng là không hoang tưởng rằng bản thân là đầu tiên, là nhất.
Do cần nhiều yếu tố như trên nên anh không lạc quan về việc trong tương lai gần, các startup công nghệ Việt Nam sẽ giỏi lên trong việc phát triển sản phẩm.
Đại diện Cinnamon cho biết doanh nghiệp này ngay từ đầu đã xác định không chấp nhận các kỹ sư, lập trình viên của mình làm các công việc gia công sản phẩm công nghệ, phần mềm. Mọi kỹ sư phải sáng tạo các sản phẩm mới trong giải quyết các vấn đề của khách hàng bằng AI, phát triển 100% công nghệ bởi các lập trình viên Việt Nam. Nếu các kỹ sư và lập trình viên vẫn quen với cách làm gia công, không phải nghĩ như hiện nay thì khi công nghệ phát triển hơn, có thể thay thế được những thao tác cơ bản, đội ngũ lập trình viên của Việt Nam nhiều khả năng sẽ đối mặt với cảnh thất nghiệp.
Các quan niệm đến từ chính những người trong cuộc cũng đang góp phần cản trở sự phát triển của các startup công nghệ. Theo anh Bách, nhiều startup Việt cứ “tự kỷ ám thị” bản thân mình là người Việt thì làm ở Việt Nam mạnh nhất hay làm ở trong nước còn chưa ăn ai thì không thể ra được nước ngoài.
Để đẩy mạnh phát triển các startup công nghệ trong thời gian tới, anh Bách cho rằng cần có nhiều startup công nghệ làm sản phẩm hơn nữa.
"Việt Nam được nhiều người bảo mạnh về công nghệ nhưng thực ra họ thích vì ta có nguồn lao động rẻ. Các kỹ sư và lập trình viên vẫn chủ yếu làm các công việc gia công phần mềm. Đây thật sự không phải là điều đáng tự hào”, anh Bách chia sẻ.
Phương Nguyên