Một số doanh nghiệp đã bắt đầu thực hiện yêu cầu này trong tháng 6, đi đầu là Gojek. Bộ Thương mại Thái Lan muốn các ứng dụng giao đồ ăn phải giảm phí tới hết năm chứ không chỉ trong giai đoạn khó khăn này.
Đồng ý giảm phí song một số ứng dụng tìm cách cắt 20-30% tiền thực nhận của tài xế. Điều này làm thổi bùng cơn giận trong cộng đồng shipper Thái Lan. Họ phản ứng dữ dội, cho biết thu nhập của giảm tới 50%, chỉ còn khoảng 500 baht, khoảng 16 USD một ngày.
"Như thế là không công bằng và chúng tôi phải lên tiếng phản đối", Anukul Ratkula, tài xế 30 tuổi của LineMan bức xúc. Một số cuộc biểu tình của nhân viên giao đồ ăn đang diễn ra tại các thành phố lớn của Thái Lan.
"Các công ty giao hàng không thể đối xử tệ như vậy với tài xế, bởi không có tài xế là không có họ. Họ cần thu hút khách hàng, mở rộng thị phần để bù đắp chi phí thay vì giảm lương nhân viên giao đồ ăn", một nhà phân tích của Asia Plus Securities nói.
Theo Nikkei, ngành công nghiệp giao đồ ăn Thái Lan phát triển mạnh trong làn sóng Covid-19 thứ ba. Thị trường tăng trưởng từ 2,2 tỷ USD năm 2020 lên hơn 2,3 tỷ USD vào năm 2021 và sẽ đạt 3,1 tỷ USD vào năm 2024.
Nhiều nhà hàng và quầy thực phẩm ở Thái Lan chuyển sang bán online khi đại dịch lan rộng. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp giao đồ ăn thu phí dịch vụ cao khiến các nhà hàng sụt giảm lợi nhuận.
"Phí dịch vụ cao ảnh hưởng đến nhiều nhà hàng vừa và nhỏ, thậm chí cả những người bán thức ăn đường phố cũng chịu tác động. Do đó, Chính phủ phải vào cuộc", Nikkei dẫn lời một quan chức cấp cao tại Sở Nội thương Bộ Thương mại Thái Lan.
Grab, Gojek, Food Panda và LineMan, một số công ty nội địa như Robinhood (thuộc ngân hàng Siam Commercial Bank) và TrueFood (công ty con của CP Group, tập đoàn thực phẩm lớn nhất Thái Lan) ăn nên làm ra trong thời kỳ dịch bệnh. Tuy nhiên, không một công ty nào kinh doanh có lãi. Thống kê của Bộ Phát triển Kinh doanh cho thấy các công ty giao đồ ăn hoạt động ở Thái Lan đều lỗ tổng hơn 4 tỷ baht, tương đương 125 triệu USD trong năm 2019.
Thành Dương (theo Nikkei)