Ông Nguyễn Hồng Phúc xã Nhơn Tân (An Nhơn, Bình Định) chia sẻ, trước đây ông làm thợ xây thu nhập ít ỏi. "Khi đó thấy hàng xóm nuôi thỏ, vợ tôi ở nhà cũng mua mua 2 cặp thỏ giống nuôi thử", ông cho biết.
Trong quá trình nuôi, nhận thấy loại vật nuôi này ít dịch bệnh, ăn uống đơn giản nhưng phát triển khỏe, đúng lúc nhu cầu thị trường tiêu thụ rất mạnh nên ông quyết định bỏ nghề thợ xây, về đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại.
“Thuở mới vào nghề, do chưa nắm vững kỹ thuật nên những lứa đầu tiên thỏ chậm lớn, sinh sản không đều và hay mắc dịch bệnh. Sau một thời gian nuôi, tôi vừa rút kinh nghiệm từ thực tiễn, vừa học tập kỹ thuật qua báo chí", ông kể lại. Sau khi áp dụng đúng quy trình kỹ thuật về vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng dịch bệnh, ăn đúng bữa, đủ chất dinh dưỡng sản lượng thịt thương phẩm cũng như thỏ giống của vợ chồng ông đã sinh trưởng khá.
Sau 7 năm nuôi trồng, hiện trại nuôi thỏ của vợ chồng ông Phúc có quy mô gần 200 m2 với 80 thỏ cái sinh sản và 8 con thỏ đực phối giống. Mỗi cặp thỏ giống có thể đẻ từ 6 - 7 lứa trong năm. Để đảm bảo cung ứng ra thị trường được sản phẩm chất luợng tốt, ông Phúc nhập về loại giống New Zealand và California (Mỹ), chính vậy giá bán ra thị trường cũng khá cao
“Tôi vừa xuất chuồng 100 con thỏ thương phẩm với giá 80.000 đồng một kg" ông Phúc khoe. Đều đều, mỗi tháng ông Phúc xuất chuồng khoảng 250 kg thỏ thương phẩm. Trừ mọi chi phí ông thu tiền lãi khoảng 15 triệu đồng.
Những năm gần đây, thị trường tiêu thụ thịt thỏ ngày càng rộng mở, do vậy người tham gia nuôi thỏ ngày càng đông. Khi bán con giống cho những người bắt đầu vào nghề, đồng thời ông Phúc cũng truyền đạt kinh nghiệm nuôi thỏ cho bà con. “Nuôi thỏ không tốn nhiều sức lao động nhưng lại cho thu nhập cao, rất phù hợp với bà con nông dân muốn có thêm thu nhập", ông nói.
Theo Nông nghiệp Việt Nam