Trong chuyến du lịch sang Hàn Quốc vào năm 2009, anh Cao Quốc Vinh nhận thấy tỏi đen gắn liền với cuộc sống người dân nơi đây. Hầu như nhà nào cũng tích trữ làm phương thuốc phòng ngừa cảm cúm, và uống cùng với trà… Ý tưởng đưa tỏi Việt Nam sang tiêu thụ tại Hàn Quốc bắt đầu từ đó. Anh tìm hiểu phương thức chế biến, mang công nghệ sản xuất về thực hiện ước mơ tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh này tại Việt Nam.
“Tôi mất khoảng 2 năm mày mò trên sách vở, lên mạng tìm kiếm thông tin, thực hiện nhiều chuyến khảo sát trong và ngoài nước vì lúc đó trên thị trường chưa có công ty nào nghiên cứu về loại tỏi này”, anh nhớ lại quyết định táo bạo và mạo hiểm nhất trong sự nghiệp kinh doanh của mình.
Sau nhiều nỗ lực, tới năm 2011, anh thành lập công ty chuyên cung ứng tỏi đen đầu tiên tại Việt Nam, dùng công nghệ Nhật.
Quá trình cho ra thành phẩm phải kỹ lưỡng từng công đoạn, để đáp ứng những yêu cầu khó tính nhất, đặc biệt là người dân Hàn Quốc vốn rất sành về tỏi đen. Nguyên liệu ban đầu là tỏi trắng aomori lấy từ xứ trồng tỏi Phan Rang. Sau đó, tỏi được lên men trong suốt 60 ngày và phải duy trì liên tục độ ẩm từ 85 đến 95%, nhiệt độ 65-85 độ C. Trong thời gian này, kỹ thuật viên giám sát thường xuyên để lấy mẫu tỏi kiểm định chất lượng.
Trong một tháng đó, tỏi đạt được độ ngọt, mềm, dẻo cần thiết và ngả sang màu đen. Kế đến, tỏi đen được đặt trên giá đỡ chuyên dụng để làm mát và khô khoảng một tuần. Công đoạn cuối cùng là sắp xếp và đóng gói bằng tay.
Tại thị trường trong nước, do chưa phổ cập cũng như mức giá khá cao (khoảng 1,7 triệu đồng một kg), vì vậy người tiêu dùng Việt ít biết đến và chưa tiếp cận nhiều với sản phẩm này.
Anh kể, khi chào những mẻ tỏi đen đầu tiên ra thị trường gần như chẳng ai quan tâm, nhiều người không muốn dùng thử và chê giá đắt. Tuy nhiên, sau đó anh Vinh và cộng sự áp dụng cách thức “mưa dầm thấm lâu”, bằng cách nhờ người quen, bạn bè, các đại lý chuyển giúp tài liệu giới thiệu sản phẩm tới khách hàng và những ai quan tâm.
Bên cạnh đó, công ty còn trực tiếp giới thiệu thông tin sản phẩm ở các câu lạc bộ hội doanh nghiệp, lập website và giới thiệu sản phẩm trên các mạng xã hội. Kết quả, sau gần một năm tiếp thị ròng rã, dần dần nhiều người biết đến thương hiệu này và đặt hàng nhiều hơn, nhưng vẫn còn khiêm tốn. "Khách hàng nội địa hiện chủ yếu là người có thu nhập cao hoặc am hiểu công dụng của tỏi đen", anh Vinh chia sẻ.
Ngày đầu khởi nghiệp, anh Vinh chỉ có 2 kỹ thuật viên để trông coi quy trình sản xuất. Nhưng đến nay, quy mô hoạt động mở rộng với hơn 20 nhân viên, xưởng được đặt tại Long Thành.
Kể từ lúc bắt tay vào kinh doanh tới nay, anh Vinh tự chủ động nguồn vốn, không nhờ vào các nhà đầu tư bên ngoài vì bản thân anh có nguồn thu từ công việc khác nên có thể tự xoay xở và chỉ mượn một ít từ bạn bè, người thân. Anh cho hay đầu tư một dàn máy có công suất khoảng một tấn thì cần 80.000 USD và phía Nhật hướng dẫn cách sử dụng, chạy mẫu sản phẩm thử.
“Cách đây hơn một năm, tôi từng rơi vào tình trạng chán nản vì không biết đầu ra sản phẩm như thế nào và thị trường này vẫn là một ẩn số, nhưng trót đam mê củ tỏi nên cứ dấn thân làm hết sức thôi. Nhiều người còn nói tôi không bình thường...”, anh chia sẻ. Tuy nhiên, giờ đây mọi thứ có tín hiệu tốt hơn khi việc cung cấp sản phẩm cho các đại lý không chỉ ở TP HCM mà còn tại khu vực Hà Nội, Cần Thơ, Ninh Thuận..., mang lại thu nhập ổn định cho công ty và nuôi sống hàng chục nhân viên.
Công ty có thể cung ứng 3.000 kg tỏi đen thành phẩm mỗi tháng, với giá chào bán ở thị trường Nhật là 5 triệu đồng một kg, Hàn Quốc khoảng 3 triệu đồng mỗi kg. Hiện anh vừa ký đơn hàng xuất khẩu tới 500 kg tỏi thành phẩm xuất sang Nhật, con số cao nhất từ trước đến nay.
Tỏi đen được sử dụng nhiều ở châu Á, chủ yếu là thị trường Nhật, Hàn Quốc có các lợi ích như chống đầy hơi, tiêu diệt tế bào ung thư, hạ huyết áp, phòng ngừa trụy tim mạch, giảm mỡ máu. Khi ăn trực tiếp tỏi đen không bị hôi miệng hay ợ như tỏi trắng thông thường.
Mai Phương